Bất chấp rủi ro để phục vụ nghiên cứu khoa học

Thứ Hai, 18/05/2020, 08:24
Bất chấp rủi ro tử vong hoặc lâm bệnh nguy kịch, hàng ngàn người Mỹ vẫn sẵn sàng cho phép phơi nhiễm chủ động mầm bệnh COVID-19 vào cơ thể. Họ cho rằng, chấp nhận một nghiên cứu nguy hiểm hơn bình thường là hợp lý nhằm tìm ra nhanh nhất vaccine hiệu quả ngừa COVID-19.

Một hành động đầy vị tha

Thời gian qua, hàng loạt vaccine COVID-19 đã được đưa vào thử nghiệm trên toàn cầu. Song một số thử nghiệm gây tranh cãi khi lựa chọn đối tượng tình nguyện viên thử vaccine là người trẻ, khỏe mạnh, trong đó có thử nghiệm “thử thách ở người”. Trong thử nghiệm này, những người trẻ vốn không mắc bệnh, có thể trạng khỏe, ổn định sẽ được gây nhiễm chủ động bằng cách đưa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào cơ thể. 

Chương trình thử nghiệm “thử thách ở người” có thể giúp cắt ngắn vài tháng thời gian tiến hành nghiên cứu vaccine thông thường. Lý do là thay vì chờ đợi nhiều tháng để đánh giá có bao nhiêu % tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine sẽ nhiễm virus trong khi vẫn sống và làm việc bình thường, thì thử nghiệm thử thách sẽ đơn giản hơn nhiều. 

Các nhà nghiên cứu sẽ cho các tình nguyện viên phơi nhiễm trực tiếp với mầm bệnh, thông qua các con đường khác nhau như tiêm, uống, muỗi đốt hoặc xịt mũi. (Nếu thử nghiệm có hiệu quả, các chuyên gia cho biết họ có thể chế vaccine COVID-19 nhỏ mũi). 

Nhưng nếu như thử nghiệm “thử thách” có tiềm năng lớn, thì rủi ro cũng cao. Mặc dù COVID-19 được cho là căn bệnh nguy hiểm chết người với người già và không nguy hiểm với người trẻ tuổi khoẻ mạnh, nhưng SARS-CoV-2 là một mầm bệnh khó lường, đã gây tử vong hoặc nguy kịch với cả các vận động viên thể thao.

“Thử thách ở người” là cách tiếp cận chủ đạo trong phát triển vaccine ngừa bệnh. Phương pháp này đã được sử dụng trong quá trình phát triển vaccine sốt rét, thương hàn và cúm. Tuy nhiên, các bệnh này đều có sẵn phương pháp điều trị. 

Bệnh nhân tình nguyện thử nghiệm nào có triệu chứng bệnh nghiêm trọng vẫn có thể được cứu sống vì có thuốc đặc trị. Còn với COVID-19 thì khác bởi hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị an toàn nào được chứng minh khả năng tiêu diệt hoàn toàn SARS-CoV-2 cho người bị lây nhiễm. Trong lúc đại dịch đang hoành hành trên toàn thế giới, một số người cho rằng, chấp nhận một nghiên cứu nguy hiểm hơn bình thường là hợp lý nhằm tìm ra nhanh nhất vaccine hiệu quả ngừa COVID-19. 

Các thử nghiệm vaccine thông thường thường bao gồm ba giai đoạn - giai đoạn đầu tiên, với không tới 100 người tham được tiêm vaccine để xác định liều lượng an toàn; giai đoạn 2, số lượng người tham gia tăng lên hàng trăm; giai đoạn 3, nghiên cứu được mở rộng ra hàng ngàn người. Thông thường, trong giai đoạn ba, những người tham gia sẽ quay trở lại cuộc sống hằng ngày của họ và các nhà nghiên cứu - trong khoảng thời gian vài tháng – sẽ so sánh tỷ lệ nhiễm bệnh giữa người được dùng giả dược và các nhóm được tiêm vaccine thực sự. 

Tuy nhiên, một thử nghiệm “thử thách con người” có thể thay thế giai đoạn thứ ba, qua đó rút ngắn thời gian xuống vài tháng vì các nhà nghiên cứu không phải đợi người tham gia bị lây nhiễm theo con đường tự nhiên – như qua tiếp xúc tại nơi làm việc, trường học, các nơi công cộng hay trong gia đình. Thay vào đó, họ được phơi nhiễm với mầm bệnh ngay trong phòng thí nghiệm.

Các tình nguyện viên có những lý do khác nhau để đăng ký tham gia phơi nhiễm COVID-19. Một số người tham gia vì tiền, nhưng có những người khác có động lực mạnh mẽ muốn giúp đỡ những người khác. “Mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro đe dọa tính mạng vì lợi ích của người khác và đó thường không chỉ là công việc mà còn là một hành vi vị tha”, Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Đại học Harvard, nói, đồng thời cho rằng, cách nhà nghiên cứu cần có trách nhiệm đảm bảo những người tham gia được an toàn.

Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Nga. Ảnh: Sputnik.

Chìa khóa để đánh bại hoàn toàn dịch bệnh

Hồi cuối tuần qua, cả Mỹ và Trung Quốc cùng công bố thông tin về những tiến triển trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19 làm dấy lên hy vọng về loại vaccine sẽ sớm được ra mắt trong năm nay. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư hết sức để phát triển các loại vaccine chống COVID-19. Hiện tại Mỹ đang thử nghiệm 14 ứng viên vaccine. Số vaccine này sẽ trải qua thêm các cuộc thử nghiệm cho đến khi thu hẹp còn 6-8 loại, sau đó sẽ được đưa đi thử nghiệm lâm sàng. Mỹ mong muốn sẽ có 3 hoặc 4 loại vaccine sẵn sàng đưa vào sử dụng sau khi lần thử nghiệm cuối cùng hoàn thành. 

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ tin tưởng sẽ có vaccine vào cuối năm nay và đang xem xét khả năng cung cấp miễn phí vaccine cho người dân. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ điều động quân đội để phân phối vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 sau khi vaccine sẵn sàng đưa vào sử dụng, đồng thời khẳng định việc phân phối sẽ ưu tiên nhóm người cao tuổi trước. Nhà Trắng đã đặt mục tiêu có được 300 triệu liều vaccine vào cuối năm 2020. Việc sản xuất và phân phối vaccine hiệu quả là một trong những bước đi quan trọng nhằm khởi động lại nền kinh tế Mỹ. 

Trong khi đó, ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, thông báo, giai đoạn hai của công tác thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 dự kiến sẽ được hoàn tất trong tháng Bảy. Tương tự, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Nga Alexander Ginsburg hôm 16-5 cho biết, nhiều khả năng nước này có thể bắt đầu việc sản xuất vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 vào cuối mùa hè năm nay.

Với việc các nhà nghiên cứu trên thế giới đang đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển vaccine cũng như phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng sẽ có sự phân phối công bằng thuốc và vaccine giữa các nước. 

Ông nói: “Đang có sự phối hợp các nỗ lực trên nhiều mặt trận để chúng ta có  phương pháp điều trị và vaccine an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng trong thời gian ngắn nhất có thể. Điều này tạo cho chúng ta hy vọng có thể chiến thắng đại dịch. Tuy nhiên, dịch sẽ không kết thúc nếu không đảm bảo công bằng. Chúng ta huy động toàn bộ sức mạnh khoa học để đảm bảo những kết quả có thể mang lại ích cho mọi người, ở mọi nơi, không chậm trễ”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.