Bà Merkel quyết theo đuổi Chính phủ đại liên minh

Thứ Tư, 29/11/2017, 08:06
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28-11 đã hối thúc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tiếp tục duy trì liên minh với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Chính phủ mới, với lý do sự ổn định của Chính phủ Đức là nhân tố trọng yếu đối với Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Đại liên minh là sự lựa chọn tốt nhất

Đã hơn hai tháng kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử Liên bang, nước Đức vẫn chưa thể thành lập một chính phủ ổn định. Nếu bà Angela Merkel vẫn tạm quyền thì giới kinh tế Đức sẽ như "ngồi trên đống lửa". Nhiều dự án kinh tế lớn sẽ bị đình đốn, hơn thế, những cải cách mang tính cách mạng của EU trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay cũng sẽ khó mà thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 27-11, đảng SDP trung tả đã để ngỏ khả năng thành lập đại liên minh cùng CDU/CSU, mở ra triển vọng để bà Angela Merkel chèo lái một nước Đức "hành động". 

Nhận định về thực tế này, ông David McAllister - thành viên Ban lãnh đạo CDU của bà Merkel cho rằng cần nhanh chóng thành lập chính phủ để Đức có khả năng giải quyết những vấn đề then chốt, cụ thể là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, những vấn đề thế giới như xung đột tại Trung Đông, căng thẳng với Nga và quan hệ với Mỹ.

Đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD được coi là sự lựa chọn tốt nhất dành cho nước Đức. Ảnh: EPA

Ông cũng cho biết, đảng bảo thủ nên thể hiện tín hiệu sẵn sàng thỏa hiệp và tránh vạch ra những giới hạn đỏ khi chuẩn bị tiến trình thương lượng với SPD. Giới chuyên gia chính trị thế giới nêu quan điểm, một chính phủ liên minh giữa CDU/CSU và SPD sẽ là "sự lựa chọn tốt nhất cho nước Đức" thay vì một liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh; tiến hành bầu cử lại hay một chính phủ thiểu số.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, chính phủ hiện nay của bà vẫn có thể duy trì các hoạt động cho đến khi một chính phủ mới được thành lập. Bà Merkel sẵn sàng thỏa hiệp để sớm thành lập một chính phủ ổn định, hiệu quả, song các cuộc đàm phán với SPD sẽ phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Thể hiện một thái độ cứng rắn hơn bà Merkel và ông McAllister, Chủ tịch Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer cảnh báo, SPD không nên đưa ra quá nhiều yêu sách trong đàm phán, bởi phía liên đảng bảo thủ không muốn đạt được thỏa thuận liên minh "bằng mọi giá".

Theo kế hoạch, vào ngày 30-11, với vai trò trung gian, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ chủ trì cuộc gặp với lãnh đạo 3 đảng CDU, CSU và SPD để thảo luận về việc tiến hành đàm phán thành lập Chính phủ ở Đức.

Vẫn còn nhiều thách thức

Cùng ngày, phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở SPD tại Berlin, Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz cho biết, dù sẽ tiến hành đàm phán nhưng SPD không thể nói trước mọi việc sẽ đi đến đâu. “Nếu các cuộc thảo luận có thể dẫn tới việc chúng tôi tham gia thành lập chính phủ ở một hình thức nào thì các thành viên trong đảng cũng sẽ bỏ phiếu về vấn đề này.

Mọi thứ vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng không có lựa chọn nào loại trừ khỏi bàn đàm phán”, ông Schulz nói. Theo các chính trị gia, không khó để nhận ra được mấu chốt trên bàn đàm phán thành lập Chính phủ giữa SPD và Liên minh CDU/CSU là vấn đề người tị nạn và cải tổ EU - điều mà bà Merkel rất thận trọng mỗi lần nhắc tới. 

Ngoài ra, vì SPD trước đây nhiều lần khẳng định không tiếp tục liên minh với CDU/CSU nên dư luận cũng lo ngại nền dân chủ nghị viện sẽ bị yếu thế khi các đảng lớn liên minh với nhau và phe đối lập tại nghị viện chỉ còn những tiếng nói yếu ớt. 

Đó là chưa kể nếu SPD tiếp tục tham gia Chính phủ thì đảng thiên hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD), do có số nghị sĩ đông nhất trong các đảng đối lập, sẽ đương nhiên trở thành “thủ lĩnh đối lập” tại Quốc hội Đức. Và đây là điều mà Berlin và Brussels không mong muốn.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Emnid thực hiện và công bố ngày 27-11, có tới 52% người được hỏi ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU và đảng trung tả SPD tiếp tục liên minh cầm quyền như hiện nay. 

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng có được một chính phủ Đức ổn định để Liên minh châu Âu có thể bàn thảo các vấn đề tương lai, trong đó có đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc cải tổ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.

Như Uyên (tổng hợp)
.
.
.