Australia yêu cầu Trung Quốc xin lỗi: Mồi lửa mới trong quan hệ song phương?

Thứ Hai, 30/11/2020, 17:27
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 30/11 đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi về việc người phát ngôn nước này đăng tải bức hình “giả mạo” binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ, trong bối cảnh mối quan hệ Australia-Trung Quốc đang có chiều hướng xấu đi với căng thẳng liên tiếp xảy ra trên nhiều lĩnh vực.


Những động thái liên tiếp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sáng 30-11 đăng tải lên Twitter hình ảnh một binh sĩ Australia tươi cười, cầm con dao dính máu kề vào cổ họng một em bé Afghanistan đang ôm cừu với khuôn mặt sợ hãi. 

Lời đề tựa kèm theo bức ảnh ghi rõ: “Bị sốc trước việc binh sĩ Australia sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi như vậy và kêu gọi Australia phải chịu trách nhiệm”. 

Đây là bài đăng thứ hai của ông Triệu chỉ trong một tuần qua với thông điệp tương tự nhằm vào vụ bê bối của lực lượng đặc nhiệm Australia tại Afghanistan. Chỉ trong vòng ba giờ đồng hồ, bài đăng đã nhận được hơn 2.000 lượt tương tác và gần 1.500 lượt chia sẻ. 

Thủ tướng Australia yêu cầu phía Trung Quốc phải xin lỗi vì bức ảnh được cho là sai sự thật đăng tải trên Twitter. Ảnh: Getty

Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên án việc đăng tải hình ảnh, đồng thời yêu cầu phía Bắc Kinh xin lỗi vì hành vi trên. Ông Morrison cũng cho biết, chính phủ Australia đã yêu cầu Twitter xóa nội dung mà người phát ngôn Trung Quốc đăng tải. 

“Điều này hoàn toàn thái quá và không có bất kỳ cơ sở biện minh nào. Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy hổ thẹn về bài đăng này. Nó làm giảm giá trị của Trung Quốc trong mắt cộng đồng thế giới”, Thủ tướng Australia lên tiếng. Ông Morrison cũng đề cập đến căng thẳng tồn tại giữa hai nước, nhưng nhấn mạnh “đây không phải là cách nên ứng xử” trong cục diện hiện nay. 

Hiện, phía Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về tuyên bố này. 

Động thái đăng ảnh của phía Trung Quốc có liên quan đến vụ việc một nhóm lính đặc nhiệm Australia đang phải đối mặt với việc bị sa thải và điều tra tội ác chiến tranh, sau khi một bản báo cáo điều tra độc lập công bố chứng minh 13 lính đặc nhiệm nước này đã thực hiện ít nhất 39 vụ giết người trái pháp luật trong cuộc chiến Afghanistan năm 2009-2013. 

Trung Quốc và Nga lên án Canberra và gọi chính phủ Australia là đạo đức giả sau sự việc. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison cho biết nước này đã xác lập quy trình “minh bạch và trung thực” để điều tra các cáo buộc trên.

Căng thẳng leo thang

Đây là động thái mới nhất trong loạt căng thẳng đang ngày càng trở nên sâu sắc trong mối quan hệ song phương Australia-Trung Quốc, kể từ khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. 

Theo đó, phía Canberra đề nghị Bắc Kinh minh bạch quá trình điều tra, đồng thời cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nên một mình điều tra nguồn gốc COVID-19 mà nên có sự hợp tác quốc tế. Phía Trung Quốc lại nhận định những lời kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19 là “nguy hiểm” và có tính chất “thao túng chính trị”. 

Mồi lửa mới có thể châm ngòi cho những làn sóng căng thẳng tiếp theo trong quan hệ Australia – Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Gần đây nhất, việc Australia đạt được một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nhật Bản đã khiến căng thẳng Trung Quốc-Australia càng hằn sâu, khi thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản và Australia hợp tác chặt chẽ hơn, như là một phần trong nỗ lực chống lại việc Trung Quốc gia tăng hoạt động hiếu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Bắc Kinh đã đưa các biện pháp trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Australia gồm lúa mạch, rượu vang, than đá. Đáng chú ý, đầu tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã vạch ra một danh sách “than phiền” về chính sách đầu tư nước ngoài, an ninh quốc gia và nhân quyền của Australia, yêu cầu xứ sở Kangaroo phải sửa chữa những sai phạm trên nếu muốn khôi phục mối quan hệ song phương với đối tác thương mại lớn nhất của họ. 

Gần đây nhất, hôm 27-11, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên tới 212,1% đối với các sản phẩm rượu vang nhập khẩu từ Australia, một động thái “trừng phạt thương mại” mà phía Australia cho là bất hợp lý và có liên quan đến những căng thẳng ngoại giao, khi mà Trung Quốc là nước nhập khẩu rượu vang Australia nhiều nhất thế giới. 

Phản ứng trước động thái của Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham nói thuế quan mà Trung Quốc vừa áp lên rượu vang Australia là “hoàn toàn không không bằng, vô căn cứ, và phi lý”. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 29-11 cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc khi chính phủ của ông đang xem xét việc đệ đơn kháng cáo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trên thực tế, việc Thủ tướng Australia lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc xin lỗi cũng cho thấy sự nghiêm trọng trong đà leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia. Trước đó, trong bài phát biểu tại một diễn đàn quốc tế hôm 23-11, Thủ tướng Australia đã chỉ trích Trung Quốc làm quan hệ hai nước xấu đi một cách “không cần thiết” và khẳng định không muốn chọn phe Bắc Kinh hay Washington. 

An Nhiên
.
.
.