Anh khởi động kế hoạch cải thiện năng suất lao động

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:07
Ngày 27-11, Chính phủ Anh đã chính thức khởi động Chiến lược Công nghiệp mới với mục tiêu giải quyết “điểm yếu” của nước này về năng suất, đồng thời để hỗ trợ giới doanh nghiệp đối phó với những thách thức mới nảy sinh liên quan tới Brexit. Kế hoạch này được Thủ tướng Theresa May khởi xướng hồi tháng 1-2017.


Phát biểu tại buổi họp báo sau khi công bố chiến lược trên, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark chỉ ra rằng, năng suất lao động “thấp hơn nhiều so với những gì có thể đạt được” đã làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước.

Điều này được thể hiện rõ khi hồi tuần trước, các cơ quan dự báo ngân sách của Anh đã phải giảm dự báo tăng trưởng trong 5 năm tới, chủ yếu vì giảm sản lượng, yếu tố được coi như “gót chân Achilles” của nền kinh tế kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Bộ trưởng Clark cam kết chính phủ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đang đe dọa “ngăn cản chúng ta phát triển tiềm năng và tăng cường sức mạnh của mình” và Chiến lược Công nghiệp mới sẽ giúp chính phủ thực hiện được điều này.

Chính phủ Anh đã khởi động Chiến lược Công nghiệp mới.

Nhấn mạnh nước Anh nên “nắm bắt” được những lợi ích của “cuộc cách mạng công nghiệp mới”, ông Clark khẳng định: “Điều này là cần thiết vào bất cứ thời điểm nào, và trong bối cảnh nước Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nó thậm chí còn quan trọng hơn”.

Bộ trưởng Kinh doanh xứ sở sương mù cho biết thêm, bốn lĩnh vực mà chính phủ hướng tới gồm khoa học đời sống, xây dựng, trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp ôtô. Chiến lược Công nghiệp mới sẽ củng cố cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư kinh doanh như một nỗ lực nhằm cải thiện sản lượng.

Trước đó, Công ty Chăm sóc sức khỏe toàn cầu MSD (tên gọi Merck &Co tại Mỹ) đã cam kết một khoản đầu tư lớn từ trước khi Anh công bố chiến lược trên. MSD cho biết sẽ thiết lập một cơ sở nghiên cứu phát minh khoa học phục vụ đời sống hiện đại nhất tại London vào năm 2020, tập trung vào các nghiên cứu sinh học và các hoạt động cải thiện, đổi mới trong doanh nghiệp.

Giám đốc Nghiên cứu MSD Roger M. Perlmutter cho biết, cơ sở mới này sẽ dựa trên nền tảng phát minh đã có và sẽ là một sự đóng góp quan trọng cho cộng đồng khoa học phục vụ đời sống đang phát triển nhanh chóng và sôi nổi ở London, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này của châu Âu tham gia hơn nữa. MSD có ý định lập ra 150 trung tâm nghiên cứu mới và đang cân nhắc các địa điểm trong khu vực London.

Cũng liên quan tới Brexit, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cho rằng, sẽ không phải “ngày tận thế” nếu Anh không thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU sau khi rời khỏi khối, tuy nhiên London sẽ vẫn phải chịu thiệt hại không nhỏ.

Cụ thể, Tổng Giám đốc WTO chỉ ra rằng, quy chế thành viên EU đã tạo cho Anh nhiều lợi thế thương mại không chỉ với 27 thành viên còn lại mà với 58 quốc gia và vùng lãnh thổ ký Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với EU.

Theo đó, London sẽ chịu một số thiệt hại nếu không đạt được một FTA với EU, nhưng sẽ không có chuyện hai bên chấm dứt quan hệ thương mại. Và sẽ tốt hơn nếu Anh đạt được thỏa thuận với EU, song việc London phải quay về với những quy định của WTO “vẫn nằm trong tầm kiểm soát”.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi đàm phán Brexit giữa Anh và EU vẫn đang bế tắc ở giai đoạn I, Cộng hòa Ireland bất ngờ tuyên bố sẽ phủ quyết các cuộc đàm phán này nếu Anh không đảm bảo “biên giới mềm” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Cao ủy phụ trách nông nghiệp của EU, đồng thời là người Ireland, Phil Hogan cho rằng, vấn đề biên giới Ireland có thể dễ dàng giải quyết nếu Thủ tướng Theresa May từ bỏ kế hoạch đưa Anh ra khỏi Liên minh thuế quan châu Âu khi rời khỏi EU vào năm 2019.

Theo ông Phil Hogan, nếu Anh hoặc Bắc Ireland vẫn thuộc Liên minh thuế quan châu Âu hoặc tốt hơn là duy trì thị trường đơn lẻ thì biên giới sẽ không còn là vấn đề phải tính đến. Và đây là thực tế đơn giản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox đã ngay lập tức bác bỏ “giải pháp” mà Cao ủy Phil Hogan đề cập, cho rằng, giải pháp cho vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland sẽ phải chờ cho đến khi những chi tiết về quan hệ thương mại trong tương lai giữa EU và Anh được quyết định. Bộ trưởng Liam Fox khẳng định London không muốn “biên giới cứng”, song Anh sẽ rời khỏi EU.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.