Anh-EU hợp tác thế nào trong lĩnh vực tư pháp và cảnh sát hậu Brexit?

Chủ Nhật, 27/12/2020, 10:45
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, ông Michel Barnier cảnh báo rằng dù khu vực và Anh đạt được thoả thuận về thương mại tự do hôm 24/12 song những mối lo về tương lai trong quan hệ đối ngoại, an ninh và quốc phòng vẫn còn đó và nó sẽ trở thành thách thức lớn một khi Anh chính thức rời EU vào ngày 1/1/2021.


Chưa có tiếng nói chung về bảo mật dữ liệu

Kể từ khi rời khỏi các cơ cấu chính trị của EU vào tháng 1/2019 Anh đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận rút lui, bao gồm các điều khoản về mối quan hệ an ninh-quốc phòng của Anh với EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

Theo những điều khoản này, Anh cam kết tuân thủ chính sách đối ngoại và tôn trọng quan điểm an ninh của EU nhưng không tham gia các thể chế hoạch định chính sách của khối này, đặc biệt là Hội nghị đối ngoại, Ủy ban chính trị và an ninh, Ủy ban quân sự EU, cũng như ủy ban và nhóm hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của EU. Trong tổng thể đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, vấn đề tương trợ tư pháp cũng có vai trò quan trọng đối với cả hai bên nhằm tiếp tục duy trì hợp tác, đảm bảo an ninh trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố ngày càng tăng.

Truyền tải dữ liệu sẽ là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ tương lai ở lĩnh vực tư pháp và cảnh sát giữa Anh và EU.

EU và Anh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về dẫn độ và hợp tác trong Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) nhưng việc cả hai bên đạt được đồng thuận về bảo mật dữ liệu dường như vẫn là điều xa vời. Truyền tải dữ liệu sẽ là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ tương lai.

Hơn ba năm trước, Trung tâm Đổi mới châu Âu đã xuất bản bài viết đầu tiên trong một loạt các bài viết về Brexit và các vấn đề tư pháp và nội bộ của EU (JHA). Tuy nhiên, khi đó vấn đề hợp tác về JHA hậu Brexit đã bị bỏ qua. Các cuộc tranh luận chính trị và trên truyền thông hầu như chỉ tập trung vào việc liệu EU và Anh có nhất trí về một thỏa thuận thương mại vào cuối năm hay không. Giữa tất cả các cuộc thỏa luận về thuế quan, quy tắc nguồn gốc xuất xứ, rất ít người để ý điều gì sẽ xảy ra nếu Anh và EU không thể đồng ý về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát và tư pháp.

Có một số lý do giải thích cho điều này: Lý do rõ ràng nhất có lẽ là vấn đề tư pháp và vấn đề nội bộ là một lĩnh vực kỹ thuật phức tạp. Nhưng điều đó cũng đúng với chính sách thương mại. Thế nhưng, ngay cả những chi tiết vụn vặt của hiệp định thương mại tương lai đều được truyền thông đưa tin trong vài tháng qua.

Lập luận thuyết phục hơn để giải thích điều này là không giống như tầm nhìn về mối quan hệ thương mại trong tương lai, lập trường của EU và Anh về vấn đề hợp tác JHA đã thay đổi rất ít kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit. Trong khi Quốc hội Anh cân nhắc mối quan hệ kinh tế mà họ muốn có với EU, ranh giới của Anh về hợp tác cảnh sát và tư pháp hầu như không thay đổi kể từ bài phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Theresa May tại Lancaster House năm 2017 và EU cũng có quan điểm tương tự.

Ngay cả khi đó, có ba điều rõ ràng: Thứ nhất, Anh muốn có thỏa thuận riêng với EU nhưng lại bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Thứ hai, các nhà đàm phán của EU kiên định lập trường rằng một quốc gia không thuộc EU, dù là một đối tác an ninh quan trọng đến đâu, không thể có nhiều quyền và ít nghĩa vụ hơn một quốc gia thành viên. Thứ ba, cả hai bên đều muốn có một thỏa thuận bao gồm ba ưu tiên (i) tiếp cận cơ sở dữ liệu, (ii) dẫn độ và (iii) hợp tác với các cơ quan EU như Europol. Không có điều nào trong số những điều này đã thay đổi từ năm 2017.

Lý do khác khiến vấn đề JHA ít được quan tâm trong các cuộc đàm phán xuất phát từ chính các nhà đàm phán. Cả hai bên đều khai thác sự thiếu quan tâm về JHA của đối phương để ngầm đạt được tiến triển. Lệnh không tiết lộ thông tin về nội dung đàm phán do các nhà đàm phán đặt ra đã được dỡ bỏ vào tháng 10-2020. Sau phiên họp của Hội đồng châu Âu ngày 15/10/2020, Michael Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU đã nói với Nghị viện châu Âu: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ về vấn đề Công ước châu Âu về nhân quyền, về bảo vệ dữ liệu, Europol, Eurojust (Cơ quan tư pháp liên minh châu Âu) và dẫn độ tội phạm. Trong những lĩnh vực này, chúng ta có thể thấy rõ được điểm chính của thỏa thuận.”

Tuy nhiên, vài ngày trước đó, khi báo cáo với Hạ viện Anh về khả năng không có thỏa thuận nào, Bộ trưởng Văn phòng Nội các, Micheal Gove cho rằng các cuộc đàm phán JHA bị đình trệ vì EU khăng khăng yêu cầu Anh chấp nhận quyền tài phán của ECJ để đổi lấy quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu. Ông Gove cũng tuyên bố rằng không có thỏa thuận an ninh nào còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi vì có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác hiệu quả để bảo vệ biên giới của chúng ta khi ở bên ngoài EU hơn là khi vẫn thuộc EU.

Mối quan hệ tương lai

Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 1/1/2021 nếu Anh và EU thực sự không thống nhất được các vấn đề về tư pháp và an ninh. Đầu tiên, tin tốt là cho dù các bên có ký kết thỏa thuận an ninh hay không thì theo thỏa thuận rút khỏi EU, các vụ việc và cuộc điều tra đang diễn ra vào cuối giai đoạn thực hiện sẽ được đảm bảo bởi các thỏa thuận hiện có cho đến khi kết thúc điều tra.

Những kẻ tình nghi trong các cuộc điều tra sẽ không thể đón năm mới bằng cách di chuyển qua biên giới Anh-EU mà không bị ngăn chặn. Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Micheal Barnier cho biết, EU và Anh có thể sẽ đồng ý về hợp tác trong tương lai ít nhất 2 trong 3 lĩnh vực ưu tiên (dẫn độ tội phạm và Europol).

Dẫu vậy, tin không tốt là có thể có một giai đoạn trống giữa lúc kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và khi bất kỳ thỏa thuận nào về JHA giữa EU và Anh có hiệu lực. Bất kỳ thỏa thuận nào về dẫn độ tội phạm và Europol đều cần phải được cả Anh và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu thường hay hoài nghi về các thỏa thuận quốc tế về hợp tác cảnh sát và tình báo. Có hai điều khoản trong thỏa thuận rút khỏi EU về các vấn đề hợp tác đang diễn ra giữa Anh và EU trong khuôn khổ Europol vào cuối giai đoạn chuyển tiếp.

Trong đó, một điều khoản đề cập đến việc Anh sẽ vẫn tham gia các Nhóm điều tra chung của Europol vào ngày 1/1/2021. Các sỹ quan cảnh sát Anh tiếp tục là thành viên của các nhóm này cho đến khi họ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đối với quyền tiếp cận của Anh vào hệ thống trao đổi tin nhắn SIENA của Europol, hệ thống này sẽ tiếp tục cung cấp thông tin do phía Anh yêu cầu trong một năm nữa nếu liên quan đến các cuộc điều tra đang diễn ra. Ngoài ra, không có điều khoản nào trong thỏa thuận rút khỏi EU mà các bên có thể sử dụng để ngăn chặn sự thay đổi đột ngột về hợp tác trong Europol nếu không đạt được thỏa thuận chung vào ngày 31/12/2020.

Đó là lý do tại sao các quan chức cho rằng các nhà đàm phán có thể cho phép chuyển dữ liệu của Europol sang Anh ngay cả khi không có thỏa thuận. Nhưng việc chuyển dữ liệu sẽ bị giới hạn về thời gian và chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện nghiêm ngặt. Ngoài ra, một thỏa thuận như vậy sẽ không đảm bảo sự hiện diện thực tế của nhân viên Anh tại Europol, một trong những yêu cầu chính của Chính phủ Anh và nhận được sự ủng hộ tại Europol.

Thanh Bình
.
.
.