ASEAN đoàn kết mới giúp giải quyết được vấn đề ở Biển Đông

Thứ Tư, 05/10/2016, 08:10
Đó là quan điểm mà các chuyên gia, học giả đưa ra trong cuộc thảo luận mang tên “Tình trạng phức tạp ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị” được Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức hôm 3-10, tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.


Phát biểu tại cuộc thảo luận, Tổng thư ký SIOS Baladas Ghoshal nhấn mạnh: “Nếu quốc gia nào đó có thể “thách thức” Trung Quốc” thì đó là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung Quốc đang sống và phải đối mặt thường xuyên với các nước này”.

Cũng theo quan điểm mà ông Baladas Ghoshal đưa ra, các quốc gia ASEAN phải tạo ra một mặt trận thống nhất thì mới có thể “đối phó” được với những hành động “gây hấn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Baladas Ghoshal nói: “Năm 1995, các quốc gia ASEAN đã thể hiện sự đoàn kết của mình và các Bộ trưởng Ngoại giao đã ra tuyên bố chung, bày tỏ sự quan ngại về vấn đề Biển Đông. Nay, các quốc gia ASEAN cần phải đoàn kết hơn nữa trong vấn đề này”.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc tổ chức Carnegie India C.Rajamohan nhấn mạnh, ASEAN cần thể hiện tinh thần đoàn kết và việc khối này có một lập trường chung sẽ giúp giải quyết vấn đề, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. 

Ngoài ra, ASEAN cũng cần phải nỗ lực thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng cử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại…

Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ảnh: AP.

Tờ Economic Times số ra ngày 4-10 nhận định, kể từ sau khi Tòa Trọng tài biển tại The Hague (Hà Lan) công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc, tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng. Dù bị bác yêu sách “đường chín đoạn” song Bắc Kinh vẫn không công nhận và chưa hề từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông.

Ngược lại, nước này còn liên tục có những hành động làm thay đổi hiện trạng cũng như làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực này. Do đó, các học giả cũng khuyến cáo rằng, các quốc gia có cùng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cần phải tập trung nhiều vào tính pháp lý của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Một số học giả còn nhắc lại cảnh báo của một số quan chức trong khu vực trong đó có cảnh báo mà Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đưa ra về nguy cơ va chạm giữa các tàu phi quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc huy động ngày càng nhiều tàu cá và tàu hải giám có vũ trang đến các khu vực tranh chấp.

Bên cạnh đó là những phân tích cụ thể từng được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) đưa ra.

Chuyên gia an ninh khu vực tại CSIS Bonnie Glaser nói: “Hành động của Trung Quốc cho thấy có sự trái ngược với những việc lực lượng hành pháp thường thực hiện. Chúng tôi thấy có sự bắt nạt, quấy rối và đâm va của tàu hải giám Trung Quốc với tàu đến từ các quốc gia có tàu tuần duyên và tàu cá nhỏ hơn nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông”…

Trong một diễn biến có liên quan, tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN hồi cuối tuần qua tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã giới thiệu các sáng kiến an ninh hàng hải mới với các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt tại khu vực Biển Đông.

Theo đó, Mỹ sẽ tổ chức các sự kiện Mỹ-ASEAN trong khu vực, bao gồm cả đối thoại hàng hải ASEAN và tập trận nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải.

Huyền Chi
.
.
.