Xử lý nghiêm hành vi hoang báo bị trộm, cướp, tai nạn
Thời gian gần đây, vì nhiều lý do khác nhau nên có nhiều người dân ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tự dựng lên những câu chuyện bị kẻ xấu phá hoại nhà cửa, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… rồi sau đó trình báo thông tin này đến cơ quan Công an. Tình trạng báo tin giả, thông tin sai sự thật (hoang báo) làm dư luận bức xúc và khiến cơ quan Công an mất thời gian, công sức để kiểm tra, xác minh thông tin.
Gần nửa đêm ngày 4/4, đường dây nóng của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được cuộc gọi điện thoại của ông Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1977, trú tại khu định cư Lịch Đợi, phường Thủy Xuân, TP Huế) trình báo về việc nhà ông này bị đối tượng xấu nhỏ keo dán sắt vào ổ khóa cổng khiến cả nhà mắc kẹt bên trong không thể ra ngoài. Ngay lập tức, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công an TP Huế đến hiện trường để giải quyết sự việc.
Tuy nhiên, khi tổ công tác Công an được cắt cử đến xác minh, tìm hiểu sự việc thì người thân của ông Tùng cho biết không hề có sự việc bị nhỏ keo dán sắt vào khóa cổng, không có ai gây rối mất ANTT. Đồng thời cho biết thêm trước đó ông Tùng có sử dụng bia rượu nên đã trình báo tin giả đến cơ quan Công an. Ngay sau đó, Công an phường Thủy Xuân đã mời ông Tùng đến trụ sở Công an làm việc để xử lý về hành vi báo thông tin không đúng sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trước đó, Lê Văn Ty (SN 2003, trú tại phường Kim Long, TP Huế) đến Công an phường Thủy Xuân, TP Huế trình báo sự việc vừa bị 2 nam thanh niên dùng dao khống chế và cướp xe mô tô hiệu Wave BKS 75G1-427.47 và 1 ĐTDĐ iphone XS cùng ví tiền. Ngay khi nhận được tin báo của Ty, Công an phường Thủy Xuân và Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế vào cuộc, khẩn cấp tổ chức xác minh sự việc. Tuy nhiên qua công tác xác minh Đội CSHS đã làm rõ tin báo của Ty là giả, không có sự việc Ty bị cướp tài sản. Phương tiện mô tô BKS 75G1-427.47 mà Ty báo bị cướp đã được đối tượng mang đến cầm tại tiệm cầm đồ số tiền 10 triệu đồng rồi tiêu xài. Ty trình báo với Công an rằng bị cướp mất xe nhằm mục đích để gia đình không la mắng Ty.
Hay như trường hợp bà Hồ Thị Như Ý (SN 1957, trú xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến Công an thị xã Hương Thủy trình báo sự việc bị cướp túi xách bên trong có 250 triệu đồng. Qua điều tra, Công an thị xã Hương Thủy đã xác minh, phát hiện đây là thông tin sai sự thật. Tại cơ quan Công an, bà Ý khai nhận để giấu gia đình việc bà đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 250 triệu đồng nên bà đã tạo hiện trường giả đi rút tiền ngân hàng rồi bị cướp. Sau khi làm rõ sự việc, Công an thị xã Hương Thủy đã ra quyết định xử phạt hành chính bà Ý về hành vi khai báo thông tin giả.
Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, trực ban Cảnh sát 113 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại của người dân trình báo các vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn. Điều đáng nói trong số đó, có nhiều cuộc gọi với nội dung trêu đùa, báo tin giả, tin không đúng sự thật. Ngoài ra, đường dây nóng 114 và 115 của tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cháy nổ, đuối nước. Dù là đường dây dành cho những tình huống khẩn cấp nhưng vẫn bị nhiều người vô ý thức gọi đến bỡn cợt, trêu chọc, thậm chí là báo tình huống khẩn cấp giả.
Một cán bộ Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi nhận được tin báo, Cơ quan Công an đã phải huy động các lực lượng khác để phối hợp, nhằm giải quyết sự việc một cách nhanh nhất. Để mang lại hiệu quả cao và kịp thời, các đơn vị không chỉ huy động cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ mà còn huy động phương tiện, trang thiết bị để đến hiện trường giải quyết sự việc. Thế nhưng chỉ vì mục đích trêu đùa hay vì lý do nào khác, có một số người dân gọi điện báo tin giả, sai sự thật. Các trường hợp này đều được cơ quan Công an làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, chúng tôi đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không được gọi điện quấy rối, trêu đùa, nháy máy, báo tin giả đến các số tổng đài 113 và các tổng đài khác như 114, 115. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ, các đơn vị liên quan để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm về báo thông tin giả, sai sự thật”, Thượng tá Phan Quốc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm.
Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP Huế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân trình báo tin giả đến cơ quan Công an. Trong đó do một số người vì nợ nần số tiền lớn hoặc do chơi cờ bạc, tiêu xài hoang phí nên đã lấy tài sản trong gia đình đem bán, cầm cố sau đó tạo hiện trường giả báo bị cướp, mất trộm với mục đích đánh lừa bạn bè, người thân và cơ quan chức năng. “Có nhiều vụ việc, sau khi nhận tin báo từ người dân, cơ quan Công an phải mất khá nhiều thời gian, công sức để xác minh, kiểm tra, kiểm chứng mới biết được đó là tin báo giả. Và những trường hợp này sau khi làm rõ đều được đơn vị xử lý nghiêm”, Trung tá Lê Ngọc Minh cho hay.
Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” có quy định rõ: Người nào có hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm thì bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.