Xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến giấy tờ, tài liệu giả

Thứ Tư, 02/08/2023, 08:45

Thời gian gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có diễn biến phức tạp. Đây là các hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính và tạo ra điều kiện cho các loại tội phạm khác.

Mặc dù đã bán hết 3 thửa đất ở phường Phú Mỹ và phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, do cần tiền đầu tư đất đai, từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2022, Nguyễn Bá Thịnh (SN 1982; trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa_Vũng Tàu) đã nhiều lần lên mạng tìm người làm các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả dựa trên các bản photo sổ gốc còn giữ với giá 10 triệu đồng một sổ để cầm cố, vay nợ của nhiều người.

Do thua lỗ, hết khả năng trả lãi, đồng thời nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Nguyễn Bá Thịnh đã đến Công an thị xã Phú Mỹ thú nhận. Nguyễn Bá Thịnh khai nhận, việc đặt mua “sổ đỏ” giả tương đối dễ dàng, vì khi tìm thông tin trên mạng để liên hệ thì có thể dễ dàng tìm thấy số điện thoại của người làm. Sau đó, anh ta sẽ gửi hình ảnh qua Zalo và yêu cầu nội dung giấy tờ giả như thế nào thì người làm sẽ làm đúng như vậy. “Tôi thấy nó (sổ đỏ giả) giống khoảng 90% sổ đỏ thật”, Thịnh cho hay.

Xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến giấy tờ, tài liệu giả -0
Đối tượng Nguyễn Bá Thịnh tại cơ quan điều tra.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ cần gõ từ khóa “làm giả giấy tờ” trên mạng xã hội, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng loạt trang, nhóm làm bằng cấp, giấy tờ giả với cam kết chất lượng như thật, có giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng tùy loại giấy tờ. Bên cạnh các giấy tờ, tài liệu được làm giả phổ biến hiện nay như các loại bằng cấp, giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe… trong thời gian gần đây, do cơ quan chức năng siết chặt công tác đăng kiểm xe cơ giới, dẫn đến một số người dân thiếu hiểu biết đã đặt mua các giấy kiểm định giả để đối phó với các cơ quan chức năng.

Chị N.N.G, một người đã đặt giấy kiểm định giả cho biết chị lướt Facebook và thấy có người làm loại giấy tờ giả này, trong khi xe ôtô nhà chị thì phải để ở nhà không lưu thông được nên chị đã đặt mua loại giấy này. “Em cũng nghĩ vì cần có xe đi lại để làm ăn, lo cuộc sống gia đình nên em đã đặt làm giấy kiểm định giả rồi cho địa chỉ họ gửi về nhà em. Em không nghĩ làm như vậy lại có hậu quả gì đâu…”, chị G. giãi bày.

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng có các hành vi nói trên, triệt phá nhiều đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn, liên tỉnh, đứng sau các bài viết quảng cáo nhận làm các loại bằng cấp, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe giả… trên các trang mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ hàng nghìn giấy tờ, tài liệu giả giấy khám sức khỏe, văn bằng, chứng chỉ của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, giấy tờ, hồ sơ đăng ký thi sát hạch lái xe...

Xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến giấy tờ, tài liệu giả -0
Một số sổ đỏ giả do Thịnh đặt làm trên mạng.

Một đối tượng trong đường dây làm giấy tờ giả khai nhận: “Sau khi khách gọi điện thoại liên hệ trực tiếp, chúng tôi yêu cầu họ cung cấp thông tin họ tên, nơi sinh, nội dung làm văn bằng, giấy tờ… Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ gửi sản phẩm ở tiệm photocopy hẹn trước hoặc gửi xe ôm giao cho khách về nhà”.

Bà P.N - một “cò” mua bán giấy tờ giả khai nhận chủ yếu giao dịch mua bán giấy khám sức khỏe và hồ sơ xin việc. “Tôi đặt trên mạng các bản mộc, dấu có nội dung như yêu cầu. Tôi chỉ mới sử dụng được cho khoảng 2-3 bộ hồ sơ xin việc và bán cho khách với giá 500 ngàn đồng/mẫu hồ sơ xin việc. Còn giấy khám sức khỏe là tôi đặt mẫu của một người ở Long Thành (Đồng Nai) với giá 30 ngàn đồng/tờ, tôi nhận về chỉ dán hình và đóng mộc lên thôi…”, bà N. kể lại.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đấu tranh, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng có các hành vi mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tập trung vào các địa bàn như TP Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ…

Thượng tá Đặng Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết khi đấu tranh với loại tội phạm này, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hầu như toàn bộ việc mua bán cũng như vận chuyển đều diễn ra trên mạng.

“Vào cuộc điều tra, Cơ quan Công an sẽ phải mất thời gian hơn nhưng thực tế bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đều bắt giữ được hết các đối tượng này, làm rõ hành vi, phương thức, thủ đoạn của chúng...”, Thượng tá Đặng Văn Hồng nhấn mạnh.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần sáng suốt, không nên có hành vi mua bán cũng như sử dụng giấy tờ giả; mỗi người dân cần cẩn trọng trong các loại giao dịch dân sự mua bán, vay mượn, thuê mướn… có giá trị lớn, tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng giấy tờ giả. Đồng thời, khi phát hiện các vụ việc, đối tượng có các hành vi nói trên, cần thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Phú Lữ - Anh Huy
.
.
.