Xác định 4 nghi can trong vụ phá rừng phòng hộ
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) phát hiện có 19 cây rừng, gốc cây có đường kính khoảng 35 đến 60 cm bị cưa hạ. Trong đó, số cây bị cưa hạ mới, vẫn còn dấu vết là 12 cây với các chủng loại gỗ: đào, trám, chò. Ngoài ra, có 7 gốc cây cũ được xác định cưa hạ vào cuối năm 2022.
Sáng 28/3, một nguồn tin của Báo CAND cho biết, Công an huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) phối hợp với Hạt kiểm lâm (HKL) huyện và lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ nhiều cây rừng có tuổi đời hàng chục năm đã bị các đối tượng cưa hạ để khai thác gỗ trái phép.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm (HKL) huyện Nam Đông xác nhận có xảy ra sự việc nói trên. Trước đó, nhận được phản ánh nhiều cây rừng ở huyện Nam Đông bị cưa hạ để lấy gỗ; lực lượng Kiểm lâm huyện phối hợp với Công an, lực lượng chức năng và chính quyền huyện Nam Đông đã vào hiện trường kiểm tra.
Qua đó, xác định khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra vị trí tọa độ, đồng thời kiểm tra trên diện rộng rừng của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Đông và rừng thuộc cộng đồng và UBND xã Thượng Quảng quản lý.
Qua đó, Đoàn kiểm tra phát hiện có 19 cây gỗ bị cưa hạ, trong đó số cây gỗ mới bị cưa hạ, còn nhiều dấu vết là 12 cây, gồm các chủng loại gỗ: đào, trám, chò. Ngoài ra, có 7 gốc cây cũ được xác định cưa hạ vào khoảng thời gian cuối năm 2022.
Theo cơ quan chức năng, trong số 12 cây gỗ mới bị cưa hạ, có 5 gốc cây có đường kính gốc dưới 40 cm và 7 gốc cây có đường kính gốc từ 40 - 60 cm. Số cây gỗ này nằm rải rác ở các tiểu khu: 394 (chức năng rừng phòng hộ) và tiểu khu 395 và 397 (chức năng rừng sản xuất) thuộc phạm vi quản lý của các chủ rừng gồm: BQL rừng phòng hộ Nam Đông; Cộng đồng thôn 2; Nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng và diện tích rừng do UBND xã Thượng Quảng quản lý.
Số cây bị cưa hạ tập trung rải rác ở 4 khu vực cách xa nhau. Khoảng cách theo đường chim bay từ khu vực này đến khu vực khác, ở vị trí gần nhất là 1.500m, xa nhất là 3.300 m. Sau khi cưa ha, số gỗ đã được các đối tượng cưa xẻ và hầu hết đã được vận chuyển ra khỏi rừng. Hiện, chỉ còn lại 1 cây trám hiện chưa bị cưa xẻ. Vị trí các cây bị cưa hạ cách xa khu dân cư, nơi xa nhất đi bộ khoảng 6 giờ.
Qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác minh có 4 đối tượng nghi vấn liên quan đến vụ cưa hạ cây. Các đối tượng này đều ở tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Theo nhận định ban đầu, số cây gỗ này có khả năng được các đối tượng đưa về để làm nhà. Hiện, Công an huyện Nam Đông, Công an xã Thượng Quảng phối hợp với lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Trong trường hợp, nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự vụ án.
Theo tìm hiểu của PV, Thượng Quảng được xem là địa bàn “nóng” nhất của huyện Nam Đông về tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng trái phép. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tại địa bàn xã Thượng Quảng, HKL huyện Nam Đông đã kiểm tra, phát hiện 4 vụ phá rừng với diện tích 0,670 ha; ngoài ra có 2 vụ đang luỗng phát với diện tích 0,42 ha đã được ngăn chặn kịp thời. Hiện, HKL đang phối hợp UBND Công an xã Thượng Quảng và cộng đồng để điều tra xử lý.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, HKL huyện phối hợp bắt giữ 3 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Ngoài ra, trong năm 2022, HKL huyện đã phối hợp, bắt giữ 12 vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản với khối lượng 8,161 m3 gỗ các loại: chủa, đào và kiền tại xã Thượng Quảng.
Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông thừa nhận rằng: Thời gian qua, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng chưa thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng, vẫn còn để xảy ra khai thác gỗ và chặt phá rừng trái phép. BQL rừng phòng hộ Nam Đông tổ chức truy quét thường xuyên nhưng chưa xác định được các vùng trọng điểm xảy ra khai thác gỗ trái phép nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn khai thác gỗ trái phép trong lâm phận quản lý…