Vụ “chuyến bay giải cứu”: Đề nghị trả lại tiền, vàng bị thu giữ khi khám nhà cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội

Thứ Ba, 26/12/2023, 14:20

Ngoài 21 bị cáo có đơn kháng cáo, phiên tòa phúc thẩm còn xem xét kháng cáo của hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là bà Đinh Thị Tuyết (vợ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn,  cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) và bà Trần Phi Nga (vợ bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).

Bà Tuyết kháng cáo đề nghị trả lại cho gia đình bà 210.000 USD, 146 lượng vàng bị thu giữ khi khám xét nhà và hủy bỏ lệnh phong tỏa số tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng.

Bà Nga kháng cáo một phần nội dung bản án, xin giải tỏa kê biên và cấm dịch chuyển nhà dự án Tây Hồ Tây (Hà Nội) và xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà Bắc An Khánh (Hà Nội).

Trình bày quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm án cho cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, dù ông này không kháng cáo.

Phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”: Đề nghị trả lại 210.000 USD, 146 lượng vàng bị thu giữ khi khám nhà cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội  -0
Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tại phiên tòa phúc thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát cho biết, sau phiên tòa sơ thẩm, bà Tuyết đã cung cấp biên lai nộp khoản tiền phạt bổ sung số tiền 50 triệu đồng của bị cáo Tuấn (bị cáo Tuấn được miễn án phí). Do đó xác định, bị cáo Tuấn đã thực hiện xong các nghĩa vụ theo bản án sơ thẩm.

Ngoài đề nghị trên, bà Tuyết còn đề nghị chồng bà rút đơn kháng cáo để được đi thi hành án sớm vì bị bệnh quá nặng phải tích cực điều trị, mà trong trại tạm giam không đủ điều kiện để điều trị. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Tuyết đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chồng bà.

Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, bị cáo Tuấn đã thực hiện xong các quyết định của bản án sơ thẩm. Do đó, việc vợ bị cáo Tuấn đề nghị trả lại vàng và USD và 1 tỷ đồng bị phong tỏa tại ngân hàng là có căn cứ để chấp nhận.

Đối với kháng cáo của bị cáo Tuấn, sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng sau đó xin rút kháng cáo để được đi thi hành án và có điều kiện điều trị căn bệnh ung thư thực quản đang tiến triển.

Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội “Môi giới hối lộ” là phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ công an) đã thừa nhận hành vi phạm tội và khắc phục toàn bộ hậu quả (18,8 tỷ đồng) mà bản án sơ thẩm đã tuyên.

“Để phát hiện xử lý, truy tố và xét xử được bị cáo Hoàng Văn Hưng là có công lớn của bị cáo Tuấn, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky), bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) và hậu quả của vụ án đã được khắc phục”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả ba bị cáo Hoàng Văn Hưng, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đều được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Để đảm bảo sự công bằng của pháp luật, theo đại diện Viện kiểm sát, cần giảm hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, qua đó thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm, nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Từ quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm án cho bị cáo Tuấn từ 5 năm tù xuống 4 năm 6 tháng tù. Đồng thời, chấp nhận kháng cáo của bà Tuyết, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm trả lại số vàng và USD thu giữ khi khám xét nhà, hủy bỏ lệnh phong tỏa số tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng.

Nguyễn Hưng
.
.
.