Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ thi hành án ra sao?
TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và tuyên phạt bị cáo này 30 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Đưa hối lộ”. Điều dư luận quan tâm là khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án được thực hiện ra sao?
Theo kế hoạch, ngày 22/5, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC). Ngoài bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 14 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã xét xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và tuyên phạt bị cáo này 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải chấp hành mức án chung cả hai tội danh là 30 năm tù.
Sau phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo thay bị cáo nội dung sau: Quá trình điều tra chưa đầy đủ, chưa chứng minh được việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu trong việc thông thầu.
Hiện, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn. Ngày 10/5/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Điều dư luận quan tâm là khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án được thực hiện ra sao?
Theo luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), sau khi xét xử xong, bản án sẽ được thi hành để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Về việc thu hồi tiền, tài sản thất thoát trong vụ án này, theo kết quả xét xử sơ thẩm, nhiều tài sản của các bị cáo đã bị kê biên, phong tỏa. Một số bị cáo đã chủ động nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính nên sau khi bản án có hiệu lực, việc xử lý tài sản để thi hành án không có trở ngại lớn.
Về việc thi hành phần hình phạt đối với các bị cáo, theo quy định tại khoản 4, điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt…
Trường hợp bắt được thì áp dụng các quy định về thi hành án hình sự, thời điểm bắt đầu tính chấp hành hình phạt tù kể từ ngày thi hành quyết định của cơ quan thi hành án hình sự.
Khoản 2, Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng nêu rõ, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, nếu xét xử trong những trường hợp trên, việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật sau khi được tuyên sẽ có những quy định cụ thể.
Đối với bị cáo bị truy nã mà việc truy nã không có kết quả, không biết bị cáo đang ở đâu, thì khi nào bắt được bị cáo hoặc bị cáo đầu thú sẽ phải thi hành bản án mà tòa án đã tuyên.
Đối với bị cáo đang ở nước ngoài, không thể triệu tập đến phiên tòa, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp thuận, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các bị cáo này không chấp hành thì trường hợp này sẽ bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp.