Vụ án Aliababa: Làm phục vụ để “nắm cơ hội đầu tư”

Thứ Năm, 15/12/2022, 15:02

Nhiều bị hại đã đề nghị HĐXX cho nhận lại đất. Theo đại diện Viện Kiểm sát, các hợp đồng ký kết là đất ở, đất thổ cư, trong khi thực tế là đất nông nghiệp, nếu bị hại muốn lấy đất như hợp đồng thì tòa lấy đâu ra đất mà trả.

Sáng 15/12, sau 1 ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử vụ án Alibaba tiếp tục phần thẩm vấn người bị hại của HĐXX. Các bị cáo đang bị xét xử gồm Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Trong 2 ngày (15,16/12), HĐXX tiến hành xét hỏi bị hại tại 26 dự án, trong đó có các dự án: Alibaba Bàu Cạn Riverside, Alibaba Phú Mỹ Central City 3… , và các dự án Alibaba Long Phước (từ 1 -16).

Vụ án Aliababa: Làm phục vụ để “nắm cơ hội đầu tư” -0
Rất đông bị hại xếp hàng trước cổng tòa.

Trả lời HĐXX tại phiên tòa sáng nay, bị hại tên T. (huyện Bình Chánh) cho biết, bà mua 2 dự án, đã nộp cho Công ty Aliababa 289 triệu đồng, muốn lấy lại tiền vốn và tiền lãi trong 3 năm. 

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS tại phiên tòa, một nữ bị hại nói có mua 4 dự án của Công ty Alibaba. Đại diện VKS nói: “Hợp đồng mà bị hại ký với Công ty Alibaba là ký hợp đồng chuyển nhượng đất ở, cho đến thời điểm mở phiên tòa này thì đất vẫn là đất nông nghiệp. Bị hại muốn nhận đất ở, VKS xác định không có đất ở mà chỉ có đất nông nghiệp”. Bị hại khẳng định “đất nào cũng nhận”.

Một bị hại ngụ quận Bình Thạnh, người đã đem toàn bộ số lương hưu của hai vợ chồng cùng số tiền tiết kiệm đầu tư vào 8 dự án, 12 lô của Alibaba với tổng số tiền đã thanh toán cho Alibaba trên 2 tỷ đồng. Nguyện vọng của ông  xin nhận lại số tiền đã đầu tư và thiệt hại.

Vụ án Aliababa: Làm phục vụ để “nắm cơ hội đầu tư” -0
Thư ký phiên tòa phổ biến thủ tục kê khai thiệt hại cho các bị hại.

Không may mắn như nữ bị hại trên, bà Hồng S. (ngụ Long Thành, Đồng Nai) khó nhọc tới tòa với chiếc nạng gỗ, bà bị tai nạn giao thông vào tháng 7 vừa qua. Nhà bà ở gần chi nhánh Công ty Alibaba ở Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai. Hàng ngày thấy người ta ra vào công ty nhộn nhịp, trong đó cũng có người quen của bà, họ tới để tìm hiểu, đầu tư vào dự án Alibaba Bàu Cạn Riverside. Có người đã đầu tư vào nhiều dự án khác của Alibaba và đã thu được lợi nhuận từ việc đầu tư đó, nên bà cũng muốn tham gia. Tuy nhiên bà không dám đầu tư một cách mạo hiểm, bà muốn biết Alibaba làm ăn thế nào, có hiệu quả không mà nhiều người lại đầu tư vào đó. Bà Hồng S. đã xin vào làm phục vụ tại chi nhánh của Công ty  Alibaba để “nắm tin tức”. Hơn 1 tháng sau, nhận thấy đây là cơ hội, giấu các con (chồng bà đã mất) bà đã dốc hết số tiền dành dụm của gia đình và đi vay mượn ngân hàng đầu tư vào 4 lô đất tại dự án Alibaba Bàu Cạn Riverside. Từ lúc đầu tư vào Alibaba đến nay bà chưa nhận được đồng lãi nào, nhưng ngược lại, hiện bà phải còng lưng trả 16 triệu đồng/tháng cho các khoản nợ bà đã vay.

Không đồng cảm với bà, các con bà hàng ngày vẫn trách móc, bởi khi đầu tư bà không nói với các con, dù con bà có đứa vẫn đứng ra trả nợ thay bà khoản tiền 400 triệu đồng cho ngân hàng. Bà Hồng S. nói, nhiều lúc muốn chết, nhưng nghĩ lại mình chết vẫn để lại tiếng xấu, ảnh hưởng đến các con nên bà vẫn phải sống để chịu trách nhiệm với các khoản nợ.

Hơn 12 giờ trưa, bà lại chống nạng theo các bị hại ra về với hy vọng nhận lại được số tiền đã đầu tư ban đầu.

Vụ án Aliababa: Làm phục vụ để “nắm cơ hội đầu tư” -0
Các bị cáo tại tòa.

Về dự án Alibaba Bàu Cạn Riverside, sau khi ký kết các giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác nêu trên, mặc dù diện tích đất chỉ là 154.469 m2 đất nông nghiệp các loại nhưng thực tế Công ty Alibaba đã tự vẽ “khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside” với diện tích 240.000 m2, được chia thành 1.339 nền, với giá bán từ 2.400.000đ/m2 và quảng cáo dự án không đúng sự thật, từ đó hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt tiền của khách hàng khách hàng.

Bùi Thanh
.
.
.