VKS khẳng định bị cáo Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng, Luật sư đề nghị trả tự do ngay tại tòa

Thứ Bảy, 22/07/2023, 17:18

Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) về tội “Nhận hối lộ”. 

Ngoài bị cáo Trần Hùng, 35 bị cáo khác bị xét xử về các tội: “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. 

Quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Hùng đã có hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho hành vi sản xuất sách giả của bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hùng từ 9 - 10 năm tù.

Suốt ba ngày xét xử, bị cáo Hùng đều kêu oan, không nhận tội. Bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư cho rằng, Viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, bị truy tố về tội môi giới hối lộ) để buộc tội bị cáo Trần Hùng, mà không đưa ra các “chứng cứ vật chất” khác là chưa khách quan...

Lý do luật sư đề nghị “trả tự do” cho cựu Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội?  -0
Bị cáo Trần Hùng (áo màu bã trầu) và các bị cáo tại phiên tòa.

Sau khi đưa ra quan điểm gỡ tội cho bị cáo Hùng, luật sư bào chữa đề nghị đại diện Viện kiểm sát đánh giá nhân chứng, vật chứng, xem xét lại toàn bộ vụ việc, đồng thời đề nghị xem xét, trả tự do cho bị cáo Hùng ngay tại tòa.

Đối đáp với luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, có đủ căn cứ kết luận, bị cáo Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng của bị cáo Thuận thông qua người môi giới là bị cáo Hải. Đại diện Viện kiểm sát phản bác lập luận của luật sư khi cho rằng, chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng.

Theo đại diện Viện kiểm sát, các luật sư yêu cầu phải đưa ra “chứng cứ vật chất” để chứng minh, nhưng các luật sư phải hiểu rõ về “nguồn chứng cứ” theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. “Nguồn chứng cứ có nghĩa là từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất. Nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định. Hơn nữa, để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Lý do luật sư đề nghị “trả tự do” cho cựu Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội?  -0
Đại diện Viện kiểm đối đáp với luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hùng. 

Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, lời khai của bị cáo Hải về việc đưa hối lộ cho bị cáo Hùng rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm và phù hợp với các chứng cứ khác nên không thể nói là “Viện kiểm sát buộc tội bị cáo Hùng về tội nhận hối lộ là không khách quan”.

Ngoài bị cáo Hùng bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Lê Việt Phương (cựu Phó Độ trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội) từ 30 - 36 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh này, hai cán bộ cấp dưới của bị cáo Phương là bị cáo Phạm Ngọc Hải (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù, cho hưởng án treo và bị cáo Thành Thị Đông Phương (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) từ 18 - 24 tháng tù, cho hưởng án treo.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”. Mức án đề nghị bằng thời hạn tạm giam nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử trả tự do cho bị cáo Hải ngay sau khi tuyên án.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát)bị đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. 30 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” tùy theo mức độ phạm tội mà bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù, cho hưởng án treo đến 7 - 8 năm tù.

Nguyễn Hưng
.
.
.