Tuyên phạt án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan
Chiều 11/4, TAND TP Hồ Chí Minh bắt đầu tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án.
Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lan án tử hình tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt là án tử hình. Đồng thời, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Lan bồi hoàn toàn bộ thiệt hại đối với 1.243 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB, khấu trừ đi số tiền các bị cáo đã nộp lại còn buộc bị cáo Lan bồi hoàn số tiền hơn 673.000 tỷ đồng.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Lan là đặc biệt nghiêm trọng, đẩy Ngân hàng SCB vào mất khả năng thanh khoản. Căn cứ vào kết quả xét xử công khai, lời khai của các bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB phù hợp với các chứng cứ trong vụ án, HĐXX có đủ cơ sở xác định, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết; trong đó Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát hoạt động các công ty còn lại. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, bị cáo Lan thâu tóm Ngân hàng SCB, qua đó chi phối, chỉ đạo mọi hoạt động của Ngân hàng SCB. Từ đó, biến Ngân hàng SCB thành công cụ tài chính để thu hút tiền của tổ chức, cá nhân rồi rút tiền sử dụng cho mục đích riêng.
Theo HĐXX, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản với dư nợ 677.286 tỷ đồng cả gốc và lãi. Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Trong 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của bị cáo Lan còn dư nợ, có 684 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản; có 201 khoản vay có hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Chưa dừng lại, bị cáo Lan đã thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm. Đáng lưu ý, để che giấu các sai phạm của Ngân hàng SCB, bị cáo Lan đã gặp gỡ, bàn bạc với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB). Bị cáo Lan còn chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đưa hối lộ nhiều lần cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD; bồi dưỡng thành viên đoàn thanh tra, Tổ giám sát ngân hàng của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, xét xử vắng mặt) tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”; 19 năm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp là chung thân. Tuyên phạt bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”; 19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, tổng hợp là chung thân. Tuyên phạt bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”; 19 năm tù tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp mức án là chung thân. Tuyên phạt bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) 18 năm về tội “Tham ô tài sản”.
Hiện, HĐXX tiếp tục tuyên án với các bị cáo còn lại.