Chặt đứt "vòi bạch tuộc" trong thẩm định giá, kiểm toán:

"Trò ma" thẩm định giá giúp Việt Á lũng đoạn mua bán kit xét nghiệm (Kỳ 1)

Thứ Bảy, 14/10/2023, 07:22

Cùng với việc truy tố hành vi nhận hối lộ của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhiều cựu quan chức như nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng…, lãnh đạo, giám đốc các công ty thẩm định giá giúp sức cho Việt Á trúng thầu, tung hoành "ngoáy lỗ mũi ăn tiền" ở nhiều tỉnh, thành phố đã bị Cơ quan CSĐT "sờ gáy".

Hàng loạt công ty thẩm định giá liên quan đến Việt Á

Thông tin với PV, Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Không chỉ dùng tiền "mua" một số quan chức ở các bộ, ngành có liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…, Việt Á của Phan Quốc Việt trong quá trình triển khai mở rộng thị trường kit xét nghiệm COVID_19 ở các tỉnh, thành phố trên cả nước còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ quan chức các địa phương. Với lợi nhuận khổng lồ từ việc "ngoáy mũi", Phan Quốc Việt đã sẵn sàng chi đậm để đám quan chức trên phục vụ lợi ích cho Việt Á, biến Việt Á trở thành "một mình một ngựa" trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm xét nghiệm phòng, chống COVID_19 trong giai đoạn chống dịch.

Cùng với việc ủng hộ, giúp đỡ của số quan chức biến chất này, Phan Quốc Việt còn lôi kéo và dùng tiền để các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực thẩm định giá "nhắm mắt" đưa ra những chứng thư thẩm định có lợi, tạo điều kiện để Việt Á trúng thầu, lũng đoạn thị trường. Theo Kết luận của Cơ quan CSĐT, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến sai phạm của Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương đều có tên của những công ty hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá. Một trong số đó là Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Hải Dương do Nguyễn Thị Trang làm Giám đốc.

Kỳ 1:
Phan Quốc Việt cùng hàng loạt đối tượng bị xử lý trong đại án Việt Á.

Theo quy định của Luật Giá năm 2013, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Hải Dương là đơn vị sự nghiệp nên không có chức năng thẩm định giá và phát hành chứng thư thẩm định giá. Ngày 2/1/2020, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Hải Dương đã ký hợp đồng số 06/HĐLK-TĐG và đến ngày 15/6/2021 ký phụ lục hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ thông tin giá, thẩm định giá với Công ty Cổ phần Tư vấn thẩm định giá VCHP. Hành vi của Nguyễn Thị Trang đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Các đơn vị doanh nghiệp liên quan sai phạm trong việc Công ty Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, được Cơ quan CSĐT Bộ Công an điểm tên ngoài Sở Y tế Bắc Giang, Sở Tài chính Bắc Giang, CDC Bắc Giang còn có các đơn vị tư vấn đấu thầu, thẩm định giá gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo vệ HKC, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Dịch vụ công Thúy Hiền, Công ty Cổ phần Thẩm định và Đầu tư Tiên Phong, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển C&D, Công ty Cổ phần Thẩm định & Đầu tư Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam, Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long, Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thăng Long.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm tại CDC Nghệ An ngoài Sở Y tế Nghệ An, CDC Nghệ An, còn có Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam, Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Hoàng Đức, Công ty Cổ phần Trường Vạn Lộc. Tại CDC Bình Dương, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan sai phạm trong việc Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm gồm: Sở Y tế Bình Dương, CDC Bình Dương, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam, Công ty Cổ phần Thẩm định giá Trung Tín, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Me Cong. Tại CDC các tỉnh này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố điều tra Phan Quốc Việt và đồng phạm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng để Việt Á tiêu thụ 679.616 kit xét nghiệm gây thiệt hại tài sản của Nhà nước là 222.251.469.024 đồng.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Quá trình điều tra vụ án Việt Á, dưới sự chỉ đạo, phân công, phân cấp của Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, thành phố đã tổ chức điều tra làm rõ Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập khác trên cả nước. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an 15 tỉnh, thành phố đã khởi tố 15 vụ án về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với tổng số 597.727 kit xét nghiệm, gây thiệt hại tài sản Nhà nước là 180.234.987.303 đồng. Tổng số 1.277.343 kit xét nghiệm tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập trên địa bàn cả nước gây thiệt hại tài sản Nhà nước là 402.486.456.327 đồng.

Trong 2 năm 2020 và 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định: Tổng doanh thu của Việt Á là 4.247.945.953.679 đồng. Quá trình Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit xét nghiệm, với mục đích để Việt Á được thuận lợi, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo các nhân viên dưới quyền phụ trách vùng liên hệ, làm việc, thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, các cán bộ công ty trung gian hoặc lãnh đạo các đơn vị cơ sở y tế để thông đồng hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu. Sau đó, các đối tượng ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Việt Á/Công ty trung gian cung cấp thông số kỹ thuật sản phẩm và báo giá của Việt Á, báo giá của các công ty trong hệ sinh thái Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, chỉ đạo điều hành hoặc báo giá của các công ty có mối quan hệ quen biết với Phan Quốc Việt, quan hệ làm ăn với Việt Á. Báo giá do Việt Á và công ty trung gian đưa ra là thấp nhất để lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng đưa vào hồ sơ dự toán, hồ sơ đấu thầu. Và để làm được việc đó, vai trò giúp sức của các công ty thẩm định giá trong những sai phạm này là không nhỏ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng làm rõ hành vi sai phạm của các thẩm định viên tại những công ty thẩm định có liên quan. Đơn cử như bị can Hồ Công Hiếu, thẩm định viên của Công ty Thẩm định giá miền Nam, chi nhánh Nghệ An đã phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại tài sản Nhà nước là 17.319.985.904 đồng. Hay như bị can Vũ Văn Doanh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá TVC cùng bị truy tố về tội danh trên khi gây thiệt hại tài sản của Nhà nước là hơn 14 tỷ đồng. Các bị can Tạ Ngọc Chức, Tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Toàn Cầu và Ninh Văn Sinh, Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Trung Tín đã phạm tội danh tương tự, gây thiệt hại hơn 4 tỷ và 2,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số các bị can liên quan đến hành vi sai phạm về thẩm định giá, Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ Tạ Ngọc Chức còn vi phạm ở vụ án khác. Cụ thể, ngày 29/12/2021, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Tạ Ngọc Chức 3 năm, 9 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra ở Sở Y tế tỉnh Sơn La. Tại vụ án này, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Nguyễn Thị Kim An, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La 3 năm tù cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Cùng bị đưa ra xét xử và kết án với Tạ Ngọc Chức trong vụ án này còn có các bị cáo Bùi Thị Hoa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế tỉnh Sơn La với 8 năm tù; Bùi Thị Thu, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Phát và nhiều bị cáo khác.

Theo tài liệu thu thập của PV, Tạ Ngọc Chức trong vai trò Giám đốc Công ty thẩm định giá Toàn Cầu đã giúp sức đắc lực cùng với Bùi Thị Hoa, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế Sơn La đã "đạo diễn", dàn xếp để Công ty Hưng Phát trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở năm 2019, gây thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng. Cụ thể, Hoa đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng với Tạ Ngọc Chức lập khống chứng thư thẩm định. Tạ Ngọc Chức đã ban hành chứng thư thẩm định với mức giá hơn 9,9 tỷ đồng theo yêu cầu của Hoa. Không chỉ vậy, Hoa và các bị can khác đã bất chấp các quy định của pháp luật, không tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, không thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định dù biết Công ty Hưng Phát không đủ năng lực và kinh nghiệm trong mua bán trang thiết bị y tế, song vẫn làm mọi cách như tạo lập hồ sơ, dùng "quân xanh", "quân đỏ" để hợp thức hóa giúp cho công ty này trúng thầu. Đối với bị can Ninh Văn Sinh cũng bị TAND TP Hà Nội ra bản án ngày 4/1/2023 xử phạt 4 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng khi làm thay đổi kết quả thẩm định giá.

Trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Những sai phạm liên quan đến việc thẩm định giá bên cạnh các nguyên nhân khách quan chủ yếu xuất phát nhiều từ nguyên nhân chủ quan của cá nhân thẩm định viên, như: vi phạm đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, xuất hiện tình trạng móc ngoặc, câu kết của thẩm định viên với các chủ đầu tư nhằm ấn định một mức giá có lợi cho chủ đầu tư (thông đồng, câu kết làm sai lệch thông tin đầu vào cho hoạt động thẩm định giá).

Trong thời gian qua, khi có đề nghị của các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Cục Quản lý, Bộ Tài chính giá đã cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá nhằm phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. Cục Quản lý giá cũng thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị thuộc Bộ Công an nhằm làm rõ các nội dung chuyên sâu về thẩm định giá trong việc xử lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Cục Quản lý giá cũng đưa ra các nội dung đánh giá về chuyên môn (rà soát việc tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thẩm định giá và Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam) đối với các hồ sơ thẩm định giá hoặc tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá nhưng chưa đến mức xử lý hình sự theo yêu cầu của các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền tố tụng khác. (Còn nữa)

Hoàng Phong
.
.
.