Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp

Thứ Bảy, 25/09/2021, 09:33

Theo Công an các tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, diễn biến phức tạp. Những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều để lại hậu quả nặng nề, không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn cả về tâm lý… 

Trong 3 năm, từ 2018-2020, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 92 vụ liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục. Cơ quan chức năng đã truy tố 87 vụ với 91 bị can; đưa ra xét xử 86 vụ, 90 bị cáo. Trong đó, tội giao cấu trẻ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là 52 vụ; hiếp dâm dưới 16 tuổi 29 vụ; dâm ô 11 vụ. Kết quả phân tích cho thấy, có đến 81% các vụ án xâm hại tình dục trẻ em xuất phát từ mối quan hệ quen biết nhau giữa người phạm tội và nạn nhân thông qua các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo… Từ đó tìm hiểu, tạo mối quan hệ quen biết, nảy sinh tình cảm, rủ rê đi uống nước, tiệc liên hoan, sinh nhật rồi dẫn đi nhà trọ, nhà nghỉ. Còn lại là người thân thích của bị hại hoặc quan hệ khác...

Ở một khía cạnh khác, nguyên nhân dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục phần lớn là do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình. Có nhiều trường hợp con em bỏ nhà đi vài ba ngày nhưng cha mẹ cũng không quan tâm, hay biết. Thậm chí có trường hợp các em đưa nhau về tại nhà và có quan hệ tình dục nhưng cha mẹ cũng không chú ý, can thiệp.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp -0
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng phạm tội hiếp dâm.

Điển hình, ngày 2/7 vừa qua, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Trần Quốc Hòa (SN 2001) mức án 12 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trước đó, Hòa kết bạn qua mạng xã hội Facebook với P. (SN 2008). Sau đó, cả hai nảy sinh tình cảm yêu đương. Nhà Hòa và P. cách nhau khoảng 5km. Trong tháng 2/2021, Hòa nhắn tin rủ P. đến nhà chơi, thì P. đồng ý đến chơi và ở lại nhà Hòa 10 ngày. Trong thời gian này, Hòa và P. đã quan hệ với nhau 3 lần. Sự việc chỉ bị phát giác, khi chị gái P. đi tìm và thấy P…

Qua vụ án trên cũng cho thấy bản thân nạn nhân không nhận thức được việc mình bị xâm hại mà cho rằng đó là tình cảm yêu đương. Chỉ khi gia đình các nạn nhân phát hiện và tố giác thì hành vi của đối tượng mới bị phát hiện, xử lý. Cả nạn nhân và đối tượng phạm tội thường là những người hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 22 vụ xâm hại tình dục. Thực tế cho thấy, các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo Trung tá Lê Quốc Hội, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hậu Giang, trước đây, đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của gia đình, sự non nớt của trẻ em để lừa gạt hoặc dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp để xâm hại tình dục. Còn hiện nay các đối tượng thậm chí lợi dụng cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tình cảm (cha, mẹ ly hôn, đi làm ăn xa, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…) để tiếp cận, rủ rê, thực hiện các hành vi xâm hại.

Trong suốt 8 tháng dài, từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2020, đối tượng K. (32 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã lợi dụng việc cha, mẹ của nạn nhân ly hôn. Mẹ đi lao động ở nước ngoài, cha đi làm ăn xa, nạn nhân ở nhà cùng với ông, bà ngoại, nên đối tượng đã dụ dỗ quan hệ tình dục với nạn nhân nhiều lần mà không ai hay biết.

“Các nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến sự phát triển bình thường, lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ. Mặt khác, còn phá hoại đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ra dư luận bức xúc”, Trung tá Lê Quốc Hội chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang cho biết, qua thực tiễn xét xử thấy rằng, nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, không phân biệt giới tính. Hầu hết trẻ sau khi bị xâm hại tình dục đều sợ hãi, ảnh hưởng nặng nề về mặt thể chất, tinh thần. Cũng có trường hợp, chính người thân trong gia đình do không hiểu biết pháp luật, sợ bị trả thù, không tố giác người có hành vi xâm hại khiến công tác điều tra, xử lý vụ việc của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ chia sẻ, có thể thấy, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ. Việc giáo dục pháp luật về giới tính còn hạn chế, nhất là giáo dục về tác hại của quan hệ tình dục sớm. Gia đình còn buông lỏng quản lý, cho con em mình tiếp xúc sớm, tiếp xúc nhiều với các trang mạng xã hội nhưng không quản lý, chọn lọc. Dẫn đến phát sinh tình trạng quen biết, yêu đương qua các mạng.

Do khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế, vì vậy gia đình, nhà trường cần phải trang bị cho con em mình biết cách thức phòng vệ. Đồng thời, quan tâm, tìm hiểu những mối quan hệ của các em để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Trong thời gian tới, để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn. Nếu trường hợp xấu xảy ra, gia đình cần bình tĩnh, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, đừng vì lợi ích vật chất hoặc tâm lý mặc cảm, xấu hổ mà bao che, dung túng, không tố giác đối tượng phạm tội.

Về các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Công an cần chủ động xác minh, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em. Có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn là những đối tượng có nguy cơ phạm tội xâm phạm tình dục. Cán bộ điều tra giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên trong đó có nhóm tội xâm hại trẻ em, thường xuyên được tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em trong liên ngành tư pháp. Liên ngành các cấp cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em. Phối hợp cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ vật chất cho những gia đình trẻ em bị xâm hại, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng…

Trần Lĩnh
.
.
.