Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các loại “giấy đi đường” được ký khống, giả mạo

Thứ Sáu, 20/08/2021, 08:45

Mới đây, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, tổ công tác Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra tài xế tên S. lái xe ôtô biển số tỉnh Kiên Giang. S. xuất trình giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc của công ty có trụ sở ở quận Bình Tân, cùng với bản photo giấy đăng ký xe ôtô và biên bản vi phạm hành chính của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh xử phạt vào cuối tháng 7/2021.

Ngoài ra, S. còn để một tấm bảng ra vào cơ quan của “Ban Chỉ huy đóng quân canh phòng sân bay Tân Sơn Nhất” trên kính xe. Thấy có biểu hiện khả nghi, nên Công an trực chốt đã bàn giao Công an phường xác minh.

Làm việc với cơ quan Công an, S. khai lái xe của cha vợ đi chở khách tự do. Để dễ dàng đón chở khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, S. đã làm giả tấm bảng ra vào cơ quan như kể trên, còn giấy xác nhận đi lại đã được một người bạn cho, được đóng dấu, ký sẵn, S. về nhà tự điền thông tin vào. S. cho biết mình dùng giấy để thuận tiện trong việc chở khách kiếm tiền.

Trước đó, Công an quận Bình Thạnh cũng đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng giấy xác nhận để ra đường, có trường hợp giấy không có thời hạn. Thậm chí còn có cảcả trường hợp cấp giấy xác nhận tập thể cho một nhóm người.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các loại “giấy đi đường” được ký khống, giả mạo -0
 Tờ Đơn xác nhận công tác của công ty đã giải thể.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các loại “giấy đi đường” được ký khống, giả mạo -1
 7 tờ “Giấy xác nhận…” có đóng dấu và chữ ký “khống” mà Phạm Minh K. mang theo.

Nghiêm trọng hơn, vào chiều 15/8, tại khu vực đường Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, tổ trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hai đối tượng trên ôtô sử dụng giấy tờ xác nhận công tác của một công ty đã giải thể. Họ mặc đồ bảo hộ y tế để có thể dễ dàng đi qua các chốt, trạm…

Chiếc ôtô này mang BKS 51H – 408.98 do tài xế Lương Chấn Kiệt (ngụ quận 3) điều khiển chở theo người đi cùng là Đinh Thanh Lâm (ngụ quận 7). Trên ôtô, các trinh sát phát hiện có hai bình khí cười (khí N2O). Cả hai người trên xe thừa nhận đã mua khí cười từ một người tên Nguyễn Võ Hoàng Nhật (ngụ quận 7) để chiết lại bán cho người khác.

Từ lời khai này, Công an đã kiểm tra hành chính nơi ở của Nhật tại phường Phú Thuận, quận 7, phát hiện “kho” tang vật gồm: 8 bình khí N2O, hàng chục giấy xác nhận đi đường, con dấu, 4 viên thuốc lắc, 1 gói cần sa, 4 khẩu súng công cụ hỗ trợ, 55 viên đạn, 12 băng đạn, 2 bịch đạn chì, 8 bình N2O, 53 Giấy “đơn xin xác nhận công ty” giả cùng một con dấu…

Nhật khai nhận trước đây làm giám đốc một công ty vận tải nhưng đã giải thể từ cuối năm 2019. Dù vậy Nhật vẫn giữ con dấu công ty. Khi có dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Nhật đã dùng con dấu này để làm giấy xác nhận công tác nhằm đi đường thuận lợi và thậm chí còn làm nhiều giấy xác nhận để bán lại cho những người khác có nhu cầu.

Bước đầu, cơ quan Công an nhận định Nhật là đầu mối của một ổ nhóm buôn bán khí cười, ma túy và có liên quan đến các hành vi phạm pháp khác…

Tại địa bàn quận 12, sáng ngày 12/8, Tổ công tác Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Công an quận 12 cũng đã phát hiện Phạm Minh K. (thường trú Trà Ôn, Vĩnh Long) điều khiển xe môtô BKS: 60L9-23… có mang theo 7 “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc”, để trống nhiều mục, không có thông tin của người được xác nhận. Các giấy này được Công ty TNHH thực phẩm N.G, địa chỉ ở đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp đóng dấu tròn, có chữ ký của đại diện công ty.

K. khai nhận là nhân viên giao hàng của Công ty TNHH thực phẩm N.G. Ông đang thực hiện yêu cầu của cấp trên đi giao các tờ “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” cho một số khách hàng quen của công ty để họ tự điền thông tin cá nhân vào và sử dụng đi qua các chốt kiểm soát phòng dịch.

Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 12, việc Công ty N.G ký, đóng dấu “khống” các “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” như trên là không đúng quy định, dẫn đến tình trạng nhiều người không thuộc các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách nhưng vẫn có “Giấy xác nhận” để xuất trình khi lưu thông qua các Chốt kiểm soát…

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã phát đi lời cảnh báo việc làm giả, cung cấp, sử dụng các loại giấy đi đường, giấy xác nhận làm việc,… để được ra đường trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và kéo theo một số vấn đề phức tạp về pháp lý.

Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, đối với hành vi cấp “giấy xác nhận, giấy giới thiệu” sai đối tượng, hoặc cấp “khống”, đặt thêm trường hợp người được cấp giấy nếu không may mắc COVDID-19 sử dụng các loại “giấy thông hành” này để di chuyển đến nhiều nơi, làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì hoàn toàn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Người cấp “giấy thông hành” cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Theo luật, người có hành vi làm và bán bất cứ loại giấy tờ giả nào khác của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Phú Lữ
.
.
.