"Thế giới ngầm" lũng đoạn đấu thầu bằng tiền và quan hệ (Kỳ 1)
Hoạt động đấu thầu đã được Nhà nước cụ thể hóa bằng luật và những quy định có liên quan nhằm tạo ra môi trường minh bạch, công bằng, phòng, chống sai phạm, đem lại giá trị to lớn, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có không ít đối tượng đã liên kết với nhau tạo ra một "thế giới ngầm" lũng đoạn đấu thầu.
Chúng biến những phiên đấu thầu trở thành cuộc chiến sặc mùi tiền và quan hệ, phục vụ cho mưu đồ thu vén lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính, gây thiệt hại đặc biệt cho Nhà nước...
Nén bạc đâm toạc tờ giấy
Giữa tháng 6, thời tiết nắng như đổ lửa. Có lẽ sức nóng của thời tiết cũng không nóng bằng sự quan tâm của dư luận đối với những diễn biến mới trong vụ án sai phạm về đấu thầu liên quan đến cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.
Sau một thời gian điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và hai thuộc cấp thêm tội "Nhận hối lộ"; trong khi, bị can Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch NSJ) bị truy tố thêm tội "Đưa hối lộ".
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT, Hoàng Thị Thúy Nga bị cáo buộc cùng thuộc cấp tự lập 6 dự án cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh rồi tham gia đấu thầu, trúng cả 6 dự án trong giai đoạn 2016 - 2019.
Các gói thầu này cung cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh với tổng giá trị hơn 636 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, giá vật tư bị "nâng khống" nên gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Để trúng thầu, Nga hối lộ Vũ Liên Oanh 14 tỷ đồng; Ngô Vui 14,8 tỷ đồng và Hà Huy Long hơn 1,8 tỷ.
Dư luận vô cùng bức xúc khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ, trong khoảng thời gian 4 năm, Vũ Liên Oanh liên tục nhận được những "túi quà" cảm ơn của Hoàng Thị Thúy Nga. Khi thì ở trụ sở làm việc, khi ở nhà riêng, những "túi quà" của Hoàng Thị Thúy Nga chứa đầy tiền, ít nhất thì 1 tỷ, nhiều nhất là 5 tỷ đồng.
Vũ Liên Oanh khai không biết trong túi quà có tiền và cũng không đòi hỏi, song lại không trả lời được rằng vì sao Hoàng Thị Thúy Nga lại "chiều" mình đến vậy, nếu như không phải là hành động "mắt nhắm, mắt mở" cho Nga cùng đám đàn em ngụy tạo, "làm xiếc" với những gói thầu liên quan đến cung cấp thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Không chỉ đưa hối lộ cho cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, nhiều mắt xích có vai trò giúp Nga và các công ty trong hệ sinh thái của mình trúng thầu cũng được đối tượng này "chăm sóc" chu đáo bằng tiền và rất nhiều tiền.
Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng 9, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, AIC và các đơn vị liên quan", để Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, thu lợi bất chính tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thành lập Ban Thư ký tài chính, tạo ra cơ chế "ngoại giao" chi tiền cho các cá nhân lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.
Với cách thức nêu trên, tại dự án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đám đàn em dưới quyền đã nhiều lần chi với tổng số tiền 44,8 tỷ đồng cho Trần Đình Thành, cựu Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Nai 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 14,5 tỷ đồng. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Nhàn chi số tiền 14,8 tỷ đồng…
Hiện tượng thông đồng móc ngoặc giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp để "hút máu" tiền của ngân sách Nhà nước diễn ra phổ biến, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại rất lớn đến ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC là những ví dụ điển hình cho hành vi tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ quản lý ở các cấp độ khác nhau, móc ngoặc, câu kết với doanh nghiệp "xẻ thịt" nhân dân ngay trên lĩnh vực được giao quản lý, điều hành.
Dùng quyền lực điều khiển kết quả thầu
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Những thủ đoạn vi phạm về đấu thầu diễn ra muôn hình vạn trạng. Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thầu thì sẽ là những tập hồ sơ "sạch sẽ" và gọn gàng, nhưng ẩn đằng sau đó lại là nhớp nhúa những bàn tay nhào nặn bởi tiền và quan hệ để giúp cho các đối tượng từ chủ đầu tư móc ngoặc với nhà thầu trúng thầu, bòn rút, phá nát tiền của Nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia, đục thủng túi của người dân, nhất là những người dân nghèo.
Trước thực trạng đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trong đó nòng cốt là Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cùng Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Công an các địa phương tập trung điều tra cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt nhằm phản ánh được bức tranh tổng thể của từng lĩnh vực, thống nhất trong chỉ đạo và bao quát tình hình. Trên cơ sở những kết quả đó, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tập trung các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân.
Cũng liên quan đến mảng vi phạm đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu dẫn chứng vụ án đầy nhức nhối dư luận hiện nay, đó là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Nhiều thuộc cấp dưới quyền bị can Thái cũng chịu chung số phận bởi các sai phạm của mình.
Bên cạnh đó, bị can Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Liên minh "ma quỷ" giữa bị can Thái và Tô Mỹ Ngọc được hình thành từ trước đó, móc ngoặc cung cấp giấy in sách, khiến giá giấy in bị đẩy lên cao bất thường, chênh lệch cả trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến biết bao học sinh, gia đình nghèo khó. Và để có được những hợp đồng béo bở với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tô Mỹ Ngọc cũng phải "chăm sóc" chu đáo cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản này và những mắt xích có liên quan bằng tiền, rất nhiều tiền.
Lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an khái quát, ở cả hai vụ đại án liên quan đến vi phạm trong đấu thầu với ngành giáo dục, xuất bản trên, các đối tượng từ chủ đầu tư đến các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát… đều thông đồng, bắt tay nhau tạo ra những hợp đồng "sạch sẽ". Tuy nhiên, các bài thầu này được xây dựng dựa trên chính những công ty tham gia đấu thầu, khi các đối tượng đưa các tiêu chí về hồ sơ mời thầu đúng theo ý của chúng.
Sự liên thủ giữa nhà thầu và đơn vị tham gia đấu thầu, các công ty đấu thầu đã khiến cho Luật Đấu thầu cũng như các quy định có liên quan trở thành vô hình, bị gạt ra ngoài vòng pháp luật. Các đối tượng nhảy múa trong tiền "hút máu" từ ngân sách Nhà nước, trên nỗi đau của chính những học sinh, gia đình các phụ huynh bởi giá sách giáo khoa, các thiết bị trường học bị "phù phép" lên cao chót vót so với giá trị thực. Sự tha hóa về nhân phẩm của một bộ phận cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với chức trách, nhiệm vụ được giao là biểu hiện rõ ràng nhất trong các vụ án này.
Không trực tiếp xây dựng những bài thầu nhưng quyền lực "mềm" của lãnh đạo đã khiến đơn vị chào thầu phải tạo điều kiện tối đa, phục vụ ngược lại những công ty, doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Vụ án nâng khống giá cây xanh trồng tại Hà Nội là một ví dụ điển hình khi bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế, bổ sung cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội, được UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức đấu thầu. Khi đó, 8 gói thầu đang được thực hiện và 14 gói thầu đang được triển khai các quy trình để tổ chức đấu thầu trong năm 2016. Khi lên làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải giao các lãnh đạo, cán bộ liên quan đặt hàng trực tiếp Công ty Sinh Thái Xanh thực hiện xây dựng, trồng cây tại Vườn ươm nút giao Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 21A.
Đáng nói, Công ty Sinh Thái Xanh mới thành lập, không đủ năng lực để đấu thầu hoặc đặt hàng nhưng bằng mối quan hệ thân tình với Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó, Giám đốc công ty này là Bùi Văn Mận dù đang bỏ đi khỏi Hà Nội để trốn nợ cũng dễ dàng trúng, thắng đậm các dự án trồng cây trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, từ năm 2016 đến 2019, dù việc trồng mới cây xanh trên địa bàn Hà Nội có đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, nhưng Ban Duy tu (Sở Xây dựng) không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng đặt hàng, giao Công ty Cây xanh và Sinh Thái Xanh trồng cây trước, rồi mới lập dự toán, thẩm định. Trong thời gian trên, Ban Duy tu đã đặt hàng Công ty Cây xanh thực hiện 10 hợp đồng, Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng.
Có cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chống lưng, các lãnh đạo của 2 công ty trên đã thông đồng với các thẩm định viên ban hành Chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá cây so với thực tế để lập hồ sơ đặt hàng, hồ sơ dự toán, hồ sơ thanh, quyết toán gây thiệt hại cho Nhà nước gần 35 tỷ đồng.
Nhắc đến Nguyễn Đức Chung trong phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Chánh Văn phòng Thành ủy, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã phải thốt lên đầy xót xa, cay đắng. Nguyễn Văn Tứ hơn 3 lần dùng từ "quyết liệt" để nói về thái độ chỉ đạo, tác động, áp lực ngầm khủng khiếp của bị can Nguyễn Đức Chung giúp cho Công ty Nhật Cường trúng những gói thầu. Bị cáo Tứ khai thời điểm đương chức Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung như "ông trời" với sức ép cực lớn nên các bị cáo cấp dưới phải làm theo, khiến sai phạm trong đấu thầu nối tiếp sai phạm. (Còn nữa)