Tây Ninh: Lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng qua không gian mạng

Thứ Ba, 20/06/2023, 07:37

Người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở trên các trang mạng mạng xã hội mà lực lượng chức năng đã đăng tải, chia sẻ để tránh bị tội phạm lừa đảo.

Chị T. (ngụ Tây Ninh) cho biết: “Chiều 7/6, tôi nhận được cuộc điện thoại nói rằng ở của hàng GuMac tri ân 500 khách hàng và được miễn phí 2 bộ đồ cộng với lì xì 30.000 đồng. Sau đó, chúng xin số zalo để họ kết bạn.

Tiếp đó, chúng tạo nhóm telergam liên hệ với nhân viên đại lý ở GuMac và nhân viên này hướng dẫn mình chọn mẫu đồ. Chúng nói mình cho thông tin tài khoản để chuyển 30.000đ, rồi đưa mình vào nhóm chat. Nhóm telergam này gồm có khoảng 23 thành viên, trong đó thực hiện việc đánh giá sản phẩm của GuMac”.

Khi tham gia nhóm telergam này, chúng nói chị T. đánh giá sản phẩm và sẽ nhận được thêm tiền lì xì. Cụ thể, mỗi sản phẩm chị T. tham gia đánh giá, thì nạn nhân phải chuyển khoản số tiền của mình tương ứng với sản phẩm đánh giá và sẽ nhận được lì xì. Chương trình chỉ cho phép mỗi một người tham gia đánh giá 4 sản phẩm. Sau đó, công ty hứa hẹn sẽ chuyển khoản trả lại toàn bộ số tiền gốc mà chị T. đã chuyển.

Ban đầu, chị T. cũng nghi vấn và hỏi thăm những đối tượng khác cùng nhóm Telergam với mình. Chúng nói đã được công ty tất toán trả lại tiền gốc và nhận tiền lì xì nhiều lần. Tin lời, chị T. đánh giá và đã chuyển khoản số tiền cho 4 lần hơn 100 triệu đồng và được công ty trả hơn 4 triệu đồng.

Tây Ninh: Lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng qua không gian mạng -0
Chị H. đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh trình báo sự việc.

Lúc này, đối tượng hướng dẫn, yêu cầu chị T. chuyển khoản thêm tiền thì mới được giải ngân cho tiền gốc. Do vậy, chị T. đã liên tiếp chuyển khoản hơn 530 triệu đồng cho chúng. Chị T, bức xúc: “Tôi nghĩ đánh giá và chuyển khoản xong thì chúng sẽ tất toán lại toàn bộ số triền hơn 630 triệu đồng. Đến tận bây giờ, tôi mới biết mình bị lừa. Bọn chúng đã dùng thủ đoạn thông báo nhận quà khuyến mãi với những phần quà và số tiền mặt có giá trị. Sau đó, chúng dụ dỗ đánh giá sản phẩm, chuyển tiền và hứa sẽ trả lại toàn bộ chi phí 100%. Sau đó, chúng hủy nhóm và chiếm đoạt tài sản”.

Còn trường hợp của chị H. (ngụ huyện Châu Thành thì “sập bẫy” thủ đoạn khác của đối tượng lừa đảo. Chị H. có 1 người con gái đang định cư tại Australia. Cách đây vài ngày, tài khoảng mạng xã hội của con gái H. đã bị kẻ xấu hack. Đối tượng giả danh con gái chị H. để yêu cầu nạn nhân gửi 10000 đô la Australia để mua xe đi làm. Thương con, chị H. gom tiền gia đình chuyển khoản 154 triệu đồng cho “con gái” thì bị chiếm đoạt tài sản.

“Tôi không gọi điện trực tiếp để xác minh thông tin từ con gái, mà làm theo nội dung tin nhắn, ra ngân hàng chuyển khoản số tiền trên vào tài khoản của chúng. Đến khi phát hiện sự việc thì chúng đã rút toàn bộ số tiền”, chị H chua xót.

Trung tá Huỳnh Văn Sửu, Đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, khuyến cáo: Để phòng loại tội phạm hack mạng facebook lừa đảo, người dân cần xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại gặp trực tiếp cho người thân, bạn bè trước khi chuyển tiền (không nên gọi qua facebook, vì cũng bị lừa). Ngoài ra, để tránh bị tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở trên các trang mạng mạng xã hội mà lực lượng chức năng đã đăng tải, chia sẻ.

Đồng thời, người dân tuyệt đối không nên truy cập vào những đường link lạ trên mạng bởi, vì nguy cơ bị rò rỉ thông tin để chiếm đoạt tài sản rất lớn. Người dân không nghe theo những lời dụ dỗ, những lời tự xưng nhân viên các công ty ở trên mạng, điện thoại di động; tự xưng cán bộ của các cơ quan chức năng mời làm việc, thông báo liên quan đến các vụ án đang điều tra để yêu cầu chuyển tiền. Người dân không nên cung cấp, mua bán, cho tặng các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho chúng. Bởi lẽ, các đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo. Khi người dân tự ý cho, mua bán, trao tặng các tài khoản ngân hàng cho người khác thì chúng ta có thể bị xử lý về các hành vi liên quan đến vấn đề cho tặng, mua bán tài khoản ngân hàng. Khi người dân nghi ngờ bị lừa đảo thì báo ngay cơ quan Công an gần nhất để kịp thời hướng dẫn, bắt giữ chúng xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, từ cuối năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận trên 50 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng thiệt hại tài sản hơn 20 tỷ đồng, số tiền bị chiếm đoạt thấp nhất hơn 3 triệu đồng, cao nhất hơn 3 tỷ đồng. Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án gọi điện thoại cho nạn nhân nói có liên quan đến vụ án đang điều tra và yêu cầu lập tài khoản ngân hàng chuyển tiền cho đối tượng để điều tra làm rõ. Kẻ lừa đảo lên mạng làm quen, giới thiệu là doanh nhân, quân ở nước ngoài rồi gửi tiền, quà giá trị lớn về Việt Nam rồi giả danh nhân viên sân bay, yêu cầu nạn nhân nộp thuế, phí để chiếm đoạt.

Đ.Mừng-N.Tuyết
.
.
.