Sẽ xử lý nghiêm việc giám đốc ép công, nhân viên ngồi thiền
Liên quan đến việc Giám đốc Công ty CP cấp nước Đồng Nai ép buộc nhân viên ngồi thiền ngay tại trụ sở công ty trong giờ làm việc (Báo CAND đã có bài phản ánh), ngày 21/4, PV Báo CAND đã trao đổi với ông Đặng Văn Chất, Chủ tịch HĐQT công ty để làm rõ sự việc. Cùng thông tin về sự việc này còn có ông Nguyễn Đức Định, Trưởng phòng TCHC công ty...
Ông Đặng Văn Chất cho biết, vụ việc này lãnh đạo công ty không nhận được phản ánh, mà chỉ có Tổng Công ty (TCT) Sonadezi và một số cơ quan nhận được.
Về phía TCT Sonadezi, ngay sau khi nhận được phản ánh đã cử cán bộ xuống kiểm tra.
Ngày 13/4 vừa qua, ông Cao Minh Trung, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy TCT Sonadezi khi dự Hội nghị Đảng bộ bộ phận mở rộng của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã có chỉ đạo về vấn đề này. Gần đây, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã cử cán bộ xuống làm việc với đại diện công ty và một số người liên quan. Theo ông Chất, sự việc tập thiền chỉ kéo dài trong vòng 10 ngày và đã dừng lại từ tháng 10/2021.
Thông tin về sự việc trên, ông Nguyễn Đức Định cho rằng, việc ngồi thiền tại công ty diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh căng thẳng. Ngày 8/10/2021 tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị về hoạt động trong tình hình mới thì đến khi đó, người lao động đã ở lại Công ty liên tục từ ngày 9/7 đến 9/10/2021, tức 3 tháng. Ngày 9/10, Công ty CP cấp nước Đồng Nai đã thông báo cho phép người trong công ty có thể được đi ra và người bên ngoài có thể được vào công ty nhưng phải qua xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 11/10 nhiều cán bộ, nhân viên công ty vẫn chưa thể về nhà do gia đình thuộc vùng đỏ.
Ông Định cho rằng, trước tình hình cán bộ, công nhân bị stress do thực hiện “3 tại chỗ” để làm việc trong thời gian dài, tin nhắn trên nhóm zalo của Giám đốc đề nghị cán bộ, nhân viên tham gia ngồi thiền đã xuất hiện.
Theo ông Định, việc ngồi thiền được thực hiện ngay tại hàng hiên trước các phòng làm việc. Thời gian ngồi thiền hàng ngày kéo dài khoảng 15 phút trong giờ giải lao buổi sáng và số người tham gia khoảng 20-25 người trong khi một nửa số nhân sự khối văn phòng của công ty làm việc thời điểm đó là 65 người.
Ông Định cho rằng, đây là hình thức vận động cán bộ, nhân viên trong công ty tự nguyện tham gia ngồi thiền "để giảm stress". Từ đó, đơn thư tố cáo, phản ánh của cán bộ, nhân viên gửi đi nhiều nơi.
Về tin nhắn Zalo do bà Giám đốc Phạm Thị Hồng gửi lên nhóm để mọi người trong công ty tập ngồi thiền, ông Định cho biết, đây là nhóm chat được lập ra để làm việc trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng trước đó.
Trước thắc mắc rằng chủ trương cho cán bộ, nhân viên ngồi thiền trong giờ hành chính có được thông qua Đảng ủy bộ phận của công ty hoặc Chủ tịch HĐQT công ty hay không, ông Chất cho biết, bản thân bà Phạm Thị Hồng là Bí thư Đảng ủy của công ty và đây là công việc điều hành hàng ngày nên việc ngồi thiền đã "không được thông qua các tổ chức trên".
Chỉ đạo tại buổi làm việc với ban chấp hành Đảng bộ bộ phận mở rộng của Công ty CP cấp nước Đồng Nai vào ngày 13/4 vừa qua, ông Cao Minh Trung đã thông tin, sau khi nhận được đơn thư tố cáo, Chủ tịch HĐQT TCT Sonadezi đã yêu cầu Ủy ban kiểm tra (UBKT) Đảng ủy TCT xem xét, xử lý đơn tố cáo người đứng đầu vi phạm đạo đức của người đảng viên, các nội quy, kỷ luật lao động.
Kết quả xác minh của UBKT Đảng ủy TCT xác định, Công ty CP cấp nước Đồng Nai có tổ chức ngồi thiền cho cán bộ nhân viên khối văn phòng. Việc ngồi thiền diễn ra trong vòng 15 phút giải lao và kéo dài trong 10 ngày.
Tại thời điểm UBKT Đảng ủy TCT xuống kiểm tra, việc ngồi thiền đã chấm dứt. UBKT Đảng ủy TCT đã nhắc nhở lãnh đạo công ty lưu ý, rút kinh nghiệm về việc này. Sau khi Báo CAND phản ánh, ông Trung đã đề nghị tập thể Ban chấp hành Đảng bộ bộ phận của Công ty CP cấp nước Đồng Nai tiếp tục phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu rõ nội dung, bản chất sự việc.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cán bộ, nhân viên công ty thì việc ngồi thiền kéo dài nhiều tháng chứ không chỉ 10 ngày. Hình ảnh do cán bộ, nhân viên ghi lại cho thấy, việc ngồi thiền ngay tại hành lang công ty và không đeo khẩu trang.
Trước đó, như Báo CAND đã thông tin, cán bộ, công nhân viên công ty phản ánh việc từ nhiều tháng nay, họ phải thực hiện việc tập thiền theo mệnh lệnh của giám đốc. Cụ thể, bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Công ty nhắn tin trên các nhóm Zalo (dùng để kết nối với mục đích giải quyết công việc của công ty) để ra lệnh và ép công, nhân viên phải thực hiện ngồi thiền vào buổi sáng ngay tại hàng lang công ty. Về vấn đề này, nhiều cán bộ, công nhân viên công ty cho rằng, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, sức khoẻ của mỗi cá nhân là quyền tự do của cá nhân họ trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, “chúng tôi hoàn toàn không muốn tham gia vì chúng tôi không hiểu biết về bộ môn này và rất e ngại giống như Pháp Luân Công mà dư luận đang lên án. Chúng tôi cũng không muốn ăn bớt thời gian làm việc để ra ngoài hành lang ngồi thiền một cách phản cảm nhưng chúng tôi buộc phải làm, không dám chống lại lệnh của giám đốc vì sợ bị chửi, trù dập”.
Qua phản ánh của công, nhân viên, việc ép ngồi thiền tại công ty đã gây ra rất nhiều phiền toái, từ thời gian, giờ giấc, sức khoẻ đến tâm lý tư tưởng của họ. Đặc biệt, việc tập thiền diễn ra ngay tại hành lang công ty với hàng loạt người tham gia một cách miễn cưỡng là rất phản cảm, ảnh hưởng lớn đến giờ giấc, nội quy, kỷ luật lao động.
Trong một tin nhắn gửi trên nhóm Zalo công ty từ số điện thoại của bà Hồng nêu rõ: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, khối văn phòng sẽ tập ngồi thiền mỗi ngày 15 phút thư giãn. Thời gian 9 giờ hàng ngày, vị trí ngồi các phòng tự sắp xếp nhưng tập trung ngồi ở hành lang chỗ thoáng mát…”. Đồng thời, “Yêu cầu trưởng các đơn vị tb (thông báo) toàn thể ae (anh em) phải tham gia trừ trường hợp đi công tác bên ngoài”.
Sau khi Báo CAND phản ánh, Thượng tá Nguyễn Xuân Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ để xử lý nghiêm.
Việc ép buộc cán bộ, nhân viên ngồi thiền tại trụ sở công ty là vi phạm nội quy, kỷ luật lao động, gây tâm lý bức xúc trong cán bộ, nhân viên. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sớm làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để tình trạng tái diễn.