Quản lý chặt đối tượng tâm thần, loạn thần để tránh hậu quả thương tâm

Thứ Ba, 05/03/2024, 07:57

Sau sự hy sinh của Trung tá Trần Duy Hùng, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong lúc làm nhiệm vụ khống chế đối tượng có dấu hiệu tâm thần gây rối trật tự, công tác quản lý người bệnh tâm thần cũng như các đối tượng có dấu hiệu tâm thần, biểu hiện loạn thần “ngáo đá” do sử dụng ma túy đòi hỏi một giải pháp căn cơ hơn để những vụ việc thương tâm tương tự không còn xảy ra.

Án mạng thương tâm

Đã gần 2 tháng trôi qua, nhiều người dân ở phường Thủy Vân (TP Huế) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến đối tượng Nguyễn Tấn Sang (SN 1999, trú phường Thủy Vân, TP Huế) có dấu hiệu tâm thần (đang chờ kết quả giám định) dùng dao nhọn tấn công khiến Trung tá Trần Duy Hùng, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Qua vụ việc đau lòng này, không ít người tham gia giao thông ở phường Thủy Vân từng bị đối tượng Sang chặn xe, gây gổ, đe dọa… rất hoang mang, lo sợ. Bởi, chỉ cần người dân nào chống cự hoặc có lời qua tiếng lại thì có nguy cơ trở thành nạn nhân của đối tượng. Một người dân ở phường Thủy Vân cho biết, hiện trên địa bàn phường này xuất hiện một số đối tượng có biểu hiện tâm thần. Người dân mong muốn chính quyền sớm có những giải pháp cụ thể để cuộc sống người dân được bình yên.

Quản lý chặt đối tượng tâm thần, loạn thần để tránh hậu quả thương tâm -0
Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tấn Sang (X), đối tượng đâm tử vong Trung tá Trần Duy Hùng trong khi làm nhiệm vụ.

Tương tự, chị N.T.TA. (kinh doanh hàng hóa nằm trên đường Bùi Thị Xuân, phường Đúc, TP Huế) vẫn chưa khỏi ám ảnh khi kể về một đối tượng có biểu hiện loạn thần. “Hôm đó, khi đang đi ngoài đường giữa trưa nắng thì bất ngờ anh này xông vào quán của tôi, rồi dùng cán chổi đập phá tủ trưng bày hàng hóa. Trước đó, gia đình chúng tôi với đối tượng này không hề quen biết hay có bất kỳ mâu thuẫn gì”, chị A. kể thêm.

Khoảng 2 năm trở lại đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử một số vụ án “Giết người” mà đối tượng gây án bị loạn thần “ảo giác” do sử dụng ma túy. Đau xót hơn khi các nạn nhân trong vụ án chính là người thân máu mủ của kẻ gây án. Điển hình như vụ Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP Huế) sát hại bà nội là T.T.G (SN 1945).

Theo hồ sơ vụ án, do bị bà G la mắng nên Thịnh bực tức, nảy sinh ý định giết bà nội. Khi bà G đang ngồi ở cạnh giếng nước, Thịnh vào nhà lấy một cái rựa rồi chém nhiều nhát vào đầu, cổ, vai làm bà G tử vong tại chỗ. Theo cơ quan điều tra, đối tượng này bị loạn thần di chứng do sử dụng ma túy. Trước khi sát hại bà nội, Thịnh từng bị cơ quan Công an 3 lần xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích và sử dụng trái phép chất ma túy. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án tù chung thân đối với Thịnh về tội “Giết người”.

Hay tháng 9/2023, Võ Văn Thành (SN 1995, trú xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án chung thân sau khi sát hại chú ruột của mình. Trước đó, do Thành sử dụng ma túy, thường xuyên có biểu hiện tâm thần hoang tưởng nên ông Võ Văn An (bố của Thành) đã dùng dây xích khóa chân Thành vào giường ngủ. Đến ngày 14/3/2023, Thành đã phá khóa, cắt dây xích nên bị ông An la mắng. Sau đó, Thành đến nhà ông Võ Văn Hà, là ông nội của Thành (trú tại thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) để ở cùng với ông nội và chú ruột là Võ Văn Nam.

Đến khoảng 2h ngày 17/3, Thành thức dậy, đi xuống bếp pha mỳ tôm ăn thì nghe tiếng ồn và thấy ông Nam đang đi ở phía trước sân nhà. Trong cơn ảo giác, Thành cứ tưởng ông Nam là kẻ trộm nên lấy tuốc-nơ-vít chạy ra đẩy ông Nam ngã, rồi ngồi đè lên người dùng tuốc- nơ-vít đâm nhiều nhát vào người ông Nam và ôm xác nạn nhân ném xuống giếng…

Quản lý chặt để phòng ngừa tội phạm

Theo ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, các đối tượng có biểu hiện tâm thần không ổn định hoặc có hành vi bất thường gây nguy hiểm cho xã hội, gia đình và chính quyền địa phương cần sớm đưa vào các Trung tâm cai nghiện, điều trị bắt buộc. Trung tâm BTXH tỉnh là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý gần 600 người khuyết tật nặng, mắc bệnh thần kinh nặng và các đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh. Hiện, Trung tâm này đang đối diện với nguy cơ quá tải trong công tác tiếp nhận và quản lý các nhóm đối tượng này nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và các ban ngành chức năng nhằm giảm bớt áp lực cho các đơn vị tuyến đầu. Kèm theo đó cần có những quy định cụ thể để các địa phương quản lý tốt hơn các đối tượng này tại địa bàn dân cư…

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động triển khai các chương trình kế hoạch, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Cơ quan chức năng đã tập trung rà soát, lập danh sách, phát hiện 143 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” có nguy cơ xâm phạm TTXH. Trong năm 2023, lực lượng Công an đã đưa 9 đối tượng có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” vào diện quản lý nghiệp vụ; đã tiến hành gọi hỏi, răn đe 112 lượt, cho biểu hiện gây rối trật tự công cộng. Công an tỉnh mở lớp tập huấn phương án xử lý tình huống đối với đối tượng loạn thần, “ngáo đá” xâm phạm TTXH cho hàng trăm học viên.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể phối hợp lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền đến các trường học đóng trên địa bàn, các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, nâng cao nhận thức của người dân về dấu hiệu, biểu hiện của người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” xâm phạm TTXH, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Phối hợp rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”; phối hợp cùng gia đình lập hồ sơ quản lý điều trị hoặc theo dõi; phối hợp với cơ sở y tế, chính quyền địa phương và gia đình để quản lý, giáo dục, hỗ trợ điều trị cho người sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”.

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu lực lượng Công an cấp xã phối hợp các lực lượng chức năng tại cơ sở rà soát, tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp quản lý người mắc bệnh tâm thần đang điều trị tại các cơ sở y tế; điều trị ngoại trú; số người có tiền sử mắc bệnh tâm thần đã điều trị khỏi bệnh về sinh sống tại địa phương; số người tâm thần mới phát sinh...; phối hợp các lực lượng chức năng tham mưu chính quyền địa phương quản lý, phòng ngừa phạm tội. Để quản lý tốt hơn đối tượng sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá, đối tượng có dấu hiệu tâm thần thì lực lượng Công an thôi chưa đủ, mà cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Hải Lan
.
.
.