Ông Tất Thành Cang: "Chánh Văn phòng Thành uỷ là người đứng đầu cao nhất chứ không phải bị cáo"

Thứ Tư, 12/10/2022, 13:50

Không báo cáo để xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã tự "bút phê" đồng ý cho Công ty Tân Thuận bán phần đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai trái pháp luật, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

Ngày 12/10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm trong vụ bán rẻ 2 dự án khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện nhà Bè) và khu dân cư Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 735 tỉ đồng. Các bị cáo bị truy tố về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Bị cáo Tất Thành Cang: “Cần điều chỉnh nhằm chuẩn hóa, thống nhất cáo trạng” -0
Bị cáo Tất Thành Cang.

Sáng nay, trong phần xét hỏi bị cáo Tất Thành Cang đã thừa nhận trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Cang cáo trạng VKSND TP Hồ Chí Minh có nhiều chỗ còn mâu thuẫn, cần điều chỉnh nhằm chuẩn hóa, thống nhất. Ví dụ, theo ông Cang, ở trang 38 cáo trạng xác định ông là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất đối với quản lý tài sản của Đảng bộ Thành phố… Ông Cang cho rằng HĐXX cần xem lại đoạn này vì nội dung của đoạn này mâu thuẫn với đoạn dưới khi mà cáo trạng nêu bị cáo vi phạm không đúng thẩm quyền ở khoản 3, khoản 4 Điều 6, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố.

Khoản 4, Điều 6, Quyết định 1087 nói rõ, Ban thường vụ Thành ủy ủy quyền cho Chánh văn phòng Thành ủy làm đại diện chủ sở hữu quản lý tài sản Đảng bộ và thực hiện quyền chủ sở hữu phê duyệt điều lệ của doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Thành phố. "Do đó, ở chỗ này Chánh văn phòng Thành ủy là người đứng đầu cao nhất chứ không phải bị cáo", ông Tất Thành Cang trình bày.

Ngoài ra, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng: "Bị cáo thực hiện không vì bất cứ mục đích cá nhân nào khác mà chỉ thực hiện vì để củng cố công tác tổ chức, hoạt đông của Đảng bộ".

Về tổng mức thiệt hại, ông Cang cho rằng quá trình chỉ đạo xử lý, chính bị cáo là người chỉ đạo phải bám sát giá thị trường để điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời. Ông Cang cho biết, ngày 30/5/2017, bị cáo bút phê lên tờ trình 1206, "đồng ý" với đề xuất của văn phòng thì cũng ngày 30/5 đó bị cáo nhận được công văn của Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND Lê Văn Khoa về chỉ đạo các cơ quan như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra thành phố, Chi cục Thuế TP Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm về việc thẩm định, xác định giá thị trường khu vực xã Phước Kiển, Nhà Bè, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để tham mưu cho ủy ban thành phố trong quá trình chỉ đạo.

"Bị cáo đã bút phê ngay ngày 30/5/2017 cho anh Phạm Văn Thông đề nghị anh Thông nghiên cứu văn bản này để tham mưu công việc của Tân Thuận. Quá trình chỉ đạo của bị cáo đã nhất quán để tham khảo giá thị trường", ông Cang nói.

Theo ông Cang, ngay khi nhận được báo cáo của ông Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy) về việc 120 tỷ đồng đã chuyển về cho Văn phòng Thành ủy, bị cáo đã làm việc với bị cáo Tân, bút phê tờ trình đề nghị Phan Thanh Tân kiểm tra lại việc chuyển nhượng này đã đúng giá thị trường theo kết luận 312 hay chưa, chi phí bao nhiêu và tham mưu đề xuất.

"Chính chỉ đạo này của bị cáo mà anh Phan Thanh Tân đã phối hợp với Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Sở Tái nguyên và Môi trường... để kiểm tra lại giá thị trường. Từ đó, phát hiện chênh lệch giá thị trường để bị cáo tham mưu, báo cáo Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy nhằm chỉ đạo, khắc phục kịp thời", ông Cang nói và mong HĐXX quan tâm xem xét khách quan, toàn diện.

Bị cáo Tất Thành Cang: “Cần điều chỉnh nhằm chuẩn hóa, thống nhất cáo trạng” -0
Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo là lãnh đạo Công ty Tân Thuận vào ngày 11/10, hầu hết đã thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, bị cáo Trần Công Thiện cho rằng mình không phạm tội quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, bởi nguồn vốn của Công ty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ thành phố theo luật dân sự, bản chất của các sai phạm xảy ra do vốn điều lệ của công ty ít trong khi bị cáo muốn mang lại lợi nhuận cho công ty. Bị cáo Thiện cũng một mực phủ nhận việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ngược lại, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh cho rằng, 2 dự án mà bị cáo (đại diện cho Công ty Tân Thuận) chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai có giá trị hơn rất nhiều so với giá mà bị cáo đã chuyển nhượng và cho rằng tài sản của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cũng là tài sản Nhà nước. Theo đại diện VKS, ở dự án khu dân cư Ven Sông, thực chất hợp đồng hợp tác giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai mà là bán đi chứ không phải hợp tác góp vốn.

Bùi Thanh
.
.
.