Nữ giám đốc lừa đưa nhiều người xuất ngoại bị tuyên phạt 16 năm tù

Thứ Năm, 09/11/2023, 15:42

Ngày 9/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Thị Quỳnh (SN 1988, trú tại phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) và tuyên phạt bị cáo 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo bản án sơ thẩm, Quỳnh là Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhân lực Jako (viết tắt là Công ty Jako) và Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế IDC (viết tắt là Công ty IDC). Công ty Jako và Công ty IDC không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng do cần tiền để chi tiêu cá nhân, Quỳnh dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Hành vi sai phạm của Quỳnh thể hiện qua việc làm giả Invoice (thông báo nộp tiền của các trường đại học tại Hàn Quốc); yêu cầu khách hàng nộp tiền mở sổ tiết kiệm chứng minh tài chính rồi gian dối chiếm đoạt; sử dụng pháp nhân của Công ty Hòa Phong và pháp nhân Công ty Toàn Cầu (doanh nghiệp có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động) để các bị hại tin tưởng giao tiền cho Quỳnh.

Nữ giám đốc lừa đưa nhiều người xuất ngoại bị tuyên phạt 16 năm tù   -0
Bị cáo Quỳnh tại phiên tòa ngày 9/11.

Sau khi nhận được tiền, Quỳnh không làm gì để các bị hại được đi du học và xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2022, Quỳnh đã chiếm đoạt của 28 bị hại với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, Quỳnh chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng trong việc cam kết đưa người đi du học tại Hàn Quốc.

Theo đó, thông qua mối quan hệ xã hội và tìm kiếm trên mạng Internet, trong các năm 2020 và 2021, các bị hại đến Công ty Jako hỏi thủ tục và chi phí để được đi du học tại Hàn Quốc. Khi đến Công ty Jako, các bị hại được Quỳnh và nhân viên tư vấn về trường học, thủ tục và chi phí để được đi du học các trường Dongduk, ILBU, Kangnam tại Hàn Quốc.

Tin tưởng Quỳnh và Công ty Jako sẽ làm được thủ tục du học Hàn Quốc nên các bị hại đã ký hợp đồng tư vấn du học và nộp tiền cho Công ty Jako. Để các bị hại tin tưởng chuyển tiền, Quỳnh nhờ người làm giả Invoice.

Quỳnh yêu cầu các bị hại nộp tiền để mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Woori (Ngân hàng của Hàn Quốc tại Việt Nam) và Ngân hàng Sacombank với lý do để chứng minh tài chính và chống bỏ trốn. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Quỳnh sử dụng chi tiêu cá nhân, không mở sổ tiết kiệm như cam kết.

Để các bị hại tin tưởng, Quỳnh mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng Woori và làm thủ tục đi du học, Quỳnh vay tiền của người làm dịch vụ mở sổ tiết kiệm chứng minh tài chính cho cá nhân có nhu cầu đi du học, xuất khẩu lao động, mở sổ tiết kiệm đứng tên của các bị hại với chi phí 4 triệu đồng một tháng, một sổ.

Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được xuất cảnh nên tìm gặp Quỳnh để đòi lại tiền thì Quỳnh viết cam kết thời hạn trả tiền cho các bị hại, nhưng sau đó không trả.

Nguyễn Hưng
.
.
.