Những lời đắng nghẹn tại phiên toà của con gái “đại gia” đất Bình Dương

Thứ Sáu, 26/08/2022, 11:24

Đây là lần đầu tiên bị cáo xa hai con trong suốt hai năm qua. Vì thế, khi con bị cáo hỏi “Mẹ đi đâu?”, bị cáo đã trả lời là “Mẹ phải đi thi- một kỳ thi đặc biệt nhất trong đời mà kết quả là bị cáo luôn mong mỏi ở những người cầm cân nảy mực công tâm và nhân văn”.

Chiều muộn 25/8, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng gây thất thoát hơn 5.700 tỷ đồng và tham ô hơn 815 tỷ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương diễn ra tại TAND TP Hà Nội đã kết thúc phần tranh luận.

Trong số 28 bị cáo được quyền nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển (con gái của bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương) nói nhiều nhất. Và điều mà những người tham dự phiên toà đểu nhận thấy, đó là từng lời nói của nữ bị cáo này đều nghẹn lòng và cũng khiến người khác khó cầm lòng được.

Lời đầu tiên, Thục Anh cảm ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe và ghi nhận phần trình bày của bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo trong suốt 10 ngày diễn ra phiên toà. Và đặc biệt, bị cáo nói lời cảm ơn một người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời bị cáo đã luôn dõi theo ba cha con bị cáo (bị cáo Nguyễn Đại Dương là chồng Thục Anh) suốt những tháng ngày vụ án trong gia đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Người đó là mẹ của bị cáo (bà Lê Thị Bịch Ngọc, vợ bị cáo Nguyễn Văn Minh và mẹ ruột Thục Anh)

Kể từ ngày 3/3/2022 cho đến những ngày gần đây, Thục Anh tham gia phiên toà này với tư cách là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển, đồng thời là con gái và đồng phạm với cha ruột là bị cáo Nguyễn Văn Minh với tội danh tham ô tài sản.

Thục Anh là con gái út trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 22 tuổi, Thục Anh đã sống tự lập, không muốn dựa dẫm vào ba mẹ hay chồng mình. 

“Cho dù ở nơi đâu, bị cáo cũng luôn trân quý và giữ gìn từng đồng vốn cho người chủ, thậm chí chấp nhận phần thiệt về mình, miễn là mang lại lợi ích tốt nhất cho tập thể và xã hội. Bởi lẽ, trong chính con người của bị cáo, từ tâm thức đến hành động, chưa bao giờ bị cáo có ý muốn chiếm đoạt hay thụ hưởng bất cứ thứ gì không phải do công sức mình tạo ra”, Thục Anh giãi bày.

Khi nhận được quyết định khởi tố bị can với tội danh “Tham ô tài sản”, Thục Anh cho biết đó là điều mà bị cáo chưa bao giờ ngờ tới. Tuy nhiên, bị cáo chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm, hay than oán bất cứ điều gì. Bởi lẽ, khi đứng tên thay và tin tưởng ba thì nếu ba mình sai phạm, mình phải cùng chịu trách nhiệm.

Những lời đắng nghẹn tại phiên toà của con gái “đại gia” đất Bình Dương -0
Bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái "đại gia"  đất Bình Dương Nguyễn Văn Minh.  

Là đứa con gái mà ba yêu thương nhất thì sự nghiệp của ba, bị cáo cũng phải cùng ba gánh vác. Điều duy nhất mà bị cáo có thể làm được, đó là ngay sau khi biết được sự việc, bị cáo đã ủng hộ quyết định của ba và cùng ba khắc phục toàn bộ các hậu quả vụ án, cho dù có mất đi tất cả những tài sản còn lại của gia đình để bù đắp cho khoản tạm ứng 251 tỷ đồng để ba thể hiện được trách nhiệm sau cùng với Tổng Công tySản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.

Ngay tại phiên toà, bị cáo cũng không muốn đổ lỗi hay so sánh với bất kỳ một ai khác, vì bị cáo ý thức được, ba bị cáo là người đứng đầu, người cha và người anh cả của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dươngthì cũng phải chịu trách nhiệm và mức hình phạt cao nhất.

Hoài bão của bị cáo là được phục vụ trong ngành Y tế và Bệnh viện Hạnh Phúc, chính là nơi mà bị cáo đã dành 15 năm thanh xuân cùng hơn 700 anh em đồng nghiệp vun đắp từ những viên gạch đầu tiên, để Bệnh viện Hạnh Phúc trở thành 1 trong 5 bệnh viện cả nước và là bệnh viện duy nhất tại tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bị cáo chấp nhận 1 mức lương thấp trong Ban Giám đốc và không tăng trong suốt 15 năm, bởi một lời hứa với ba là đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương, nơi mà ba bị cáo thường hay gọi bằng cái tên thân thương “Tỉnh nhà”.

Tháng 12/2019, khi vụ án đất “vàng” 43ha bị khởi tố, bị cáo phải rời xa Bệnh viện Hạnh Phúc vì không muốn làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Đầu năm 2020, bị cáo được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc một Tập đoàn y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam với mức lương gấp 3 lần trước đó làm ở bệnh viện. Nhưng chỉ 2 năm sau, bị cáo lại phải từ bỏ ước mơ dở dang tại nơi đây khi nhận quyết định khởi tố ngày 3/3/2022.

2 năm qua là những chuỗi ngày địa ngục với bị cáo và gia đình khi ba, chồng rồi đến bản thân bị cáo liên tiếp bị khởi tố. Bị cáo vừa đóng vai trò làm cha, làm mẹ của hai đứa con trai, và cũng là trụ cột chính trong đại gia đình khi vừa nuôi dạy hai con ăn học, vừa phải gánh khoản nợ của gia đình bằng nguồn thu nhập duy nhất từ tiền lương hàng tháng.

Cứ mỗi ngày bước ra khỏi nhà theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra thì bị cáo luôn xác định, không thể trở về nên phải giao 2 con cho chị gái chăm sóc.

Tuy nhiên, bị cáo vẫn không cho phép mình bỏ cuộc. Đây cũng là thời điểm cả nước đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do dịch COVID - 19.

Với vai trò lãnh đạo, bị cáo đã cố gắng thuyết phục chủ đầu tư chấp nhận những thiệt hại về tài chính và chung tay cùng tập thể hơn 6 ngàn nhân viên tại các bệnh viện trong hệ thống tiên phong, tự nguyện chuyển đổi công năng các bệnh viện thành bệnh viện điều trị COVID - 19, điều trị thành công cho gần 4.000 bệnh nhân mắc COVID 1 19.

Tháng 4/2022, bị cáo may mắn được làm việc tại một Tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam. Và lần đầu tiên trong đời, bị cáo phải tạm quên họ tên thật của mình mà sử dụng tên viết tắt là Nguyễn T.A, nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến Tập đoàn vì không một tổ chức nào có thể tự hào khi có một lãnh đạo đang bị truy tố về tội danh “Tham ô tài sản”.

Dù vậy, bị cáo vẫn luôn tự nhắc nhở mình rằng, chỉ cần có một cơ hội để tiếp tục thực hiện hoài bão, chỉ còn một ngày để có thể cống hiến cho ngành Y tế và xã hội thì bị cáo vẫn sẽ cố gắng đến cùng.

Khi nhận được quyết định khởi tố bị can, bị cáo đã chuẩn bị rất nhiều tình tiết giảm nhẹ để mong Hội đồng xét xử xem xét và giảm nhẹ hình phạt cho ba bị cáo, cho chồng và bản thân bị cáo. Nhưng trong những ngày vừa qua, bị cáo nhận ra rằng, những thành tích, công trạng của mình chẳng đáng là bao, và những mất mát đau thương mà bản thân và gia đình mình phải gánh chịu cũng không phải là duy nhất.

Tại phiên toà này, bị cáo xin được góp tiếng nói thấp bé của mình cùng chung lời khẩn cầu đến quý Hội đồng xét xử để xin một sự xem xét thấu đáo, bao dung và chính sách khoan hồng đặc biệt đến 28 bị cáo trong phiên toà này. “Những hậu quả, thiệt hại về mặt vật chất đã và sẽ sớm được khắc phục hoàn toàn, các sai phạm cũng sẽ bị trừng phạt bằng những bản án nghiêm khắc. Nhưng có lẽ chỉ những ai chứng kiến phiên toà trong 10 ngày qua mới hiểu được những mất mát về danh dự, gia đình và tương lai thì không một ai có thể bù đắp được. Dù cho có sai phạm, gây ra bao nhiêu lỗi lầm thì có lẽ điều mà họ đau đớn và xót xa nhất chính là giờ đây, đứa con gái mà ba yêu thương nhất giờ lại trở thành đồng phạm với ba. Và “Tỉnh nhà” mà ba bị cáo coi là “Đứa con tinh thần” để cống hiến cả cuộc đời, giờ lại trở thành “bị hại” trong phiên toà này”, Thục Anh trải lòng.

Trong gần 30 năm đầu đời, bị cáo luôn phấn đấu học hành để đạt được nhiều thành tích làm cho ba mẹ tự hào. 10 năm sau đó, bị cáo luôn cố gắng trở thành tấm gương sáng cho 2 con. Đây cũng là lần đầu tiên bị cáo xa hai con trong suốt hai năm qua. Vì thế, khi con bị cáo hỏi “Mẹ đi đâu?”, bị cáo đã trả lời là “Mẹ phải đi thi- một kỳ thi đặc biệt nhất trong đời mà kết quả là bị cáo luôn mong mỏi ở những người cầm cân nảy mực công tâm và nhân văn, để những người như bị cáo được tiếp tục cống hiến, và có một lý lịch trong sạch cho hai con của mình”.

Nguyễn Hưng
.
.
.