Những "độc chiêu" gửi ma túy qua đường hàng không
Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp. Đặc biệt là trên các tuyến hàng không khi mà lưu lượng hành khách xuất, nhập cảnh lớn nhất và ngày càng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Cục Hải quan Hà Nội cho biết, ngày 28/11/2022, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra 2 lô hàng được vận chuyển qua đường hàng không, phát hiện khoảng 7,8kg nghi ma túy tổng hợp. Cụ thể, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra 2 lô hàng được vận chuyển qua đường hàng không.
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Hải quan phát hiện hai lô hàng được gửi từ Đức và cộng hòa Czech về Việt Nam qua đường hàng không có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra lô hàng gửi từ Đức về Việt Nam (hai kiện hàng), lực lượng chức năng phát hiện ma túy được pha trộn, đóng gói dưới vỏ bọc các hộp bánh, kẹo, thực phẩm, kem đánh răng... Tang vật thu giữ khoảng 4kg nghi ma túy tổng hợp (MDMA). Kiểm tra lô hàng gửi từ cộng hòa Czech về Việt Nam, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 3,8kg ma tuý được cất giấu dưới vỏ bọc các lọ kem dưỡng da, dầu gội...
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2022 đến 15/11/2022, toàn Cục đã phát hiện, bắt giữ 78 vụ việc về ma túy; tạm giữ hơn 197,54kg ma túy và tiền chất các loại, gồm: Trên 108kg cần sa; 31,49kg methamphetamine; 13,43kg tiền chất; 25,04kg MDMA; 18,16kg heroine; 320g cocaine và 760g ketamine. Đáng chú ý, đầu tháng 11/2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không. Ma tuý được ngụy trang trong các gói cà phê nhập khẩu từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện ma túy đá và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam với số lượng lớn.
Trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã lợi dụng thông thoáng thủ tục đối với hàng xuất khẩu, cất giấu số lượng lớn tiền chất ma túy ngụy trang trong các gói cà phê, thạch rau câu, thực phẩm chay... để xuất khẩu. Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, ngoài các tuyến đường hàng không xuất trái phép ma túy được xác định là trọng điểm như Singapore, Australia... đang được cơ quan Hải quan tập trung theo dõi, hiện nay đã xuất hiện thêm một vài tuyến đường vận chuyển mới, như Malaysia, Hàn Quốc...
Về các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu trên tuyến hàng không, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết, các đối tượng thường ngụy trang, trà trộn và khai báo sai mặt hàng, khai báo trị giá hàng hóa thấp để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có trị giá cao vào thị trường Việt Nam. Thời gian qua, việc vận chuyển hàng cấm, hàng quản lý theo công ước quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn tiếp diễn… Do vậy, trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý, ngành Hải quan chú trọng phân tích rủi ro nhằm xác định trọng điểm.
Trong những tháng cuối năm là cao điểm của buôn lậu, lượng khách xuất nhập khẩu và hàng hóa xuất nhập cảnh sẽ tăng cao, lực lượng hải quan đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu trong đợt cao điểm này và triển khai phương án kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, cảnh báo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng chống buôn lậu trong toàn ngành. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng cục Hải quan với các ngành, như với Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phối hợp với lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy… Trong đó chú ý hành vi lợi dụng luồng xanh để cất giấu hàng lậu, hàng cấm.
Về công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống ma tuý, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, chiến dịch Con Rồng Mê kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018 đến nay đã được triển khai qua 4 giai đoạn với sự tham gia của 24 cơ quan Hải quan thành viên và 5 cơ quan, tổ chức khác gồm: Bộ Tài nguyên, Môi trường nước Australia; Trung tâm ma tuý Singapore; Ban công viên quốc gia Singapore và 2 văn phòng của Văn phòng Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Đối với Chiến dịch Con Rồng Mê kông giai đoạn 4 (OMD 4 - triển khai từ 15/4/2022 đến 15/9/2022), đã bắt giữ 1.362 vụ, trong đó có 1.267 vụ bắt giữ ma túy, 17 vụ bắt giữ tiền chất và 78 vụ bắt giữ động vật hoang dã và buôn bán gỗ.
Như vậy, tổng số vụ bắt giữ qua 4 giai đoạn của Chiến dịch là 2.798 vụ ma túy và động, thực vật hoang dã. Đối với Hải quan Việt Nam, trong khuôn khổ tham gia Chiến dịch từ năm 2018 đến năm 2022, đã chủ trì và phối hợp phát hiện bắt giữ, xử lý 874 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, bắt giữ 843 đối tượng; chủ trì và phối hợp phát hiện bắt giữ, xử lý 113 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong danh mục Công ước CITES… Ông Nguyễn Hùng Anh khẳng định, Hải quan Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam, chủ động hơn nữa trong hợp tác với các cơ quan Hải quan thành viên, các tổ chức quốc tế trong đấu tranh với buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động, thực vật hoang dã cũng như các loại tội phạm xuyên quốc gia khác.