Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vụ chuyển nhượng khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn

Thứ Tư, 29/05/2024, 18:18

Liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa.., ngày 28/5 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can là cán bộ của Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ TNMT) cùng Giám đốc Công ty CP giám định và thẩm định giá… 

Như vậy liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu đất công diện tích 6.202m2 có vị trí đặc địa ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 12 người bị Cơ quan CSĐT khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc cho tại ngoại.

Năm 2021 Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết luận khu đất trên là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước. Năm 2009, 2 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được giao quản lý khu đất trên là Công ty cao su Đồng Nai và Công ty cao su Bà Rịa (đều thuộc Tập đoàn cao su) đã góp vốn để thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín nhằm triển khai dự án bất động sản trên khu đất này. Kết luận của TTCP cũng xác định việc UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín (một pháp nhân mới) làm chủ đầu tư dự án tại khu đất trên mà không thông qua đấu giá là không đúng quy định pháp luật.

Điểm mặt vụ “đánh võng” với khu đất công ở số 39-39B Bến Vân Đồn -0
Khu đất hiện đã hình thành dự án bất động sản cao cấp.

Quá trình chuyển nhượng lòng vòng đối với khu đất công trên có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Cụ thể, ngày 9/7/2014, ông Huỳnh Trung Trực, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cao su (đã bị khởi tố, bắt giam ngày 23/5) mới có văn bản cho phép Công ty cao su Đồng Nai và Công ty cao su Bà Rịa được chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Phú Việt Tín. Giá chuyển nhượng là 950 USD/m2, tổng số tiền thu về là 5.438.750 USD đối với khu đất trên sau khi đã trừ lộ giới. Căn cứ để ông Trực cho phép chuyển nhượng và đưa ra mức giá trên là văn bản của HĐQT Tập đoàn cao su ban hành vào ngày 17/6/2010.

Cách đó vài ngày, ngày 1/7/2014, Công ty cao su Đồng Nai cũng đã báo cáo kết quả làm việc với đơn vị tư vấn về việc chuyển nhượng phần vốn góp của 2 DNNN tại Công ty TNHH Phú Việt Tín cho các công ty có tên na ná là Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Tín 80%, Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Tín 20%. Trong đó giai đoạn 1 chuyển nhượng 99% vốn góp; giai đoạn 2 chuyển nhượng 1% còn lại.

Trước đó hơn 6 tháng, vào ngày 6/12/2013, Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa, Chủ tịch HĐQT (đã bị khởi tố, bắt giam ngày 23/5) đã ký hợp đồng hứa chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Tại hợp đồng hứa hẹn này, ông Đặng Phước Dừa cam kết chịu trách nhiệm chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của các thành viên trong Công ty TNHH Phú Việt Tín, tức 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá 469,9 tỷ đồng.

Căn cứ để ông Đặng Phước Dừa đưa ra cam kết này là hợp đồng ủy quyền của Restro Harvest Finance Ltd do bà Lê Y Linh (đã bị khởi tố, bắt giam ngày 23/5) làm đại diện, ủy quyền cho Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Tín trước đó 4 ngày. Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho rằng hợp đồng hứa hẹn này sau đó đã được hai bên thực hiện. Điều này thể hiện qua việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ký một loạt ủy nhiệm chi để chuyển tiền cho Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Tín vào thời điểm đó.

Như vậy sau 3 năm thành lập, từ 2 thành viên là DNNN góp vốn ban đầu với số vốn điều lệ ít ỏi ban đầu, đến năm 2012 trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Phú Việt Tín đã xuất hiện thêm thành viên góp vốn thứ 3 là Restro Harvest Finance Ltd. Đồng thời vốn điều lệ của Công ty TNHH Phú Việt Tín lúc này cũng đã tăng lên 6 tỷ đồng. Trong đó đối tác nước ngoài chiếm 80%, phần vốn của 2 công ty cao su chỉ còn 20%.

Sau khi nhận chuyển nhượng giá trị khu đất, để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn điều lệ từ Công ty TNHH Phú Việt Tín, trong các tháng 8 và 9/2014 Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã lần lượt ký hợp đồng chuyển nhượng với 4 công ty, gồm 2 DNNN ngành cao su nêu trên và Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Tín, Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Tín do bà Lê Y Linh làm giám đốc.

Việc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Tín xuất hiện với tư cách thành viên góp vốn tại doanh nghiệp dự án vào thời điểm này đã cho thấy trước khi được sự đồng ý của Tập đoàn cao su, 2 DNNN ngành cao su góp vốn tại Công ty TNHH Phú Việt Tín đã bán phần vốn góp cho công ty tư nhân này. Càng bất thường hơn, trong hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa 2 bên còn ghi rõ theo giấy đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Phú Việt Tín thay đổi lần thứ 3 vào ngày 1/8/2014, Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Tín đã sở hữu đến 79,2% vốn điều lệ, tương đương với 4,752 tỷ đồng. 

Về lý do tại sao 2 DNNN ngành cao su góp vốn thành lập một công ty mới để thực hiện dự án bất động sản có giá trị rất lớn mà chỉ góp vốn điều lệ ở mức tượng trưng, văn bản do Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Huỳnh Trung Trực ký nêu trên cũng đã thể hiện rất rõ: Ngày 17/6/2010 HĐQT Tập đoàn cao su đã cho phép chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng đất dự án.

Việc HĐQT Tập đoàn cao su cho phép chuyển nhượng chỉ sau hơn nửa năm Công ty TNHH Phú Việt Tín được thành lập đã thể hiện khá rõ mục đích của các DNNN ngành cao trong việc bán tài sản công không qua đấu giá chứ không phải để thực hiện dự án. Do đó, tổ chức, cá nhân nào mua bán, chuyển nhượng ngay tình, ai tiếp tay cho các đối tượng tham gia “rút ruột” tài sản Nhà nước là vấn đề sẽ sớm được Cơ quan điều tra làm rõ. 

Bảo Sơn
.
.
.