Nhiều tiểu thương ở Huế bị sập bẫy lừa tinh vi

Thứ Bảy, 07/12/2024, 08:52

Lợi dụng việc mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các đối tượng tội phạm đã sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt mua hàng. Do mất cảnh giác nên tiểu thương ở chợ Đông Ba (TP Huế) và một số chủ cửa hàng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã sập bẫy lừa của các đối tượng.

Những ngày đầu tháng 12/2024, một số tiểu thương ở chợ Đông Ba đã làm đơn trình báo gửi đến Công an TP Huế về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền với hình thức đặt mua hàng hóa, trong đó có tiểu thương bị lừa mất hàng chục triệu đồng. Bà L.T.T.A, tiểu thương kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại chợ Đông Ba, cho biết, vào ngày 1/12 vừa qua, bà nhận được cuộc gọi qua Zalo của một đối tượng tự xưng tên Bùi Bảo Anh. Đối tượng này tự giới thiệu hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước đóng tại TP Huế.

nhieutieuthuong 1.jpg -0
Một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet bị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ.

Qua trò chuyện, đối tượng cho bà A biết anh ta cần đặt số lượng lớn (800 hộp) thực phẩm gồm chân, đùi, sườn gà cho đơn vị. Sau khi kết thúc cuộc gọi, đối tượng chuyển qua tài khoản Zalo bà A những hình ảnh giấy tờ được làm giả như giấy ra vào cổng cơ quan, phiếu xuất hàng, nhập kho có chữ ký, con dấu đỏ. Tiếp đó, đối tượng liên lạc với bà A và thông báo đơn mua hàng số lượng lớn đã được lãnh đạo cấp trên phê duyệt rồi hẹn thời gian giao hàng.

“Để tạo sự tin tưởng, đối tượng yêu cầu tôi cung cấp họ tên, năm sinh, biển số phương tiện đi giao hàng để làm giấy ra vào cổng cơ quan. Người này dặn dò tôi phải chuẩn bị thực phẩm chất lượng ngon và hứa hẹn sau khi giao hàng xong thì ngoài tiền đặt hàng sẽ chuyển thêm vài triệu đồng cho tôi để cảm ơn. Anh ta liên tục nhắn tin, gọi điện qua Zalo thúc giục tôi chuẩn bị thực phẩm khiến tôi mất tập trung và do chủ quan nên tôi đã bị lừa”, bà A kể lại.

Để thực hiện hành vi lừa đảo bà A, đối tượng tiếp tục gọi điện đặt thêm 600 hộp thịt gà. Biết cửa hàng của bà A không có loại thực phẩm này nên đối tượng gửi cho bà A một tờ hóa đơn giả trên đó có ghi thông tin địa chỉ nơi cung cấp thịt gà. Ngày 2/12, đối tượng tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho bà A và cho biết cần số thực phẩm trên được giao nhanh, nếu không sẽ hủy đơn hàng.

Lúc này, do đang là thời điểm buổi trưa, chưa đến giờ nhân viên ngân hàng làm việc nên bà A đã chuyển thêm tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân để có đủ 54 triệu đồng rồi chuyển khoản đặt mua 600 hộp thịt gà theo tài khoản mà đối tượng cung cấp. Sau khi bà A chuyển tiền, đối tượng liền xóa Zalo, cắt đứt liên lạc. Khi bà A gọi điện liên hệ đầu mối cung cấp thịt gà để yêu cầu hủy đơn hàng và xin nhận lại tiền đặt cọc thì các đối tượng yêu cầu bà A phải chuyển thêm 27 triệu đồng. Lúc này bà A mới biết đã bị các đối tượng lừa đảo liền trình báo sự việc đến cơ quan Công an.

Trung tá Châu Phúc Thắng, Trưởng Công an phường Đông Ba cho biết, sau khi nhận được trình báo của các tiểu thương, Công an phường đang tích cực phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế để xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc. “Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo tiểu thương chợ Đông Ba tuy không mới nhưng lại rất tinh vi. Các đối tượng đã liên tục nhắn tin, gọi điện, sử dụng hình ảnh giấy tờ làm giả của các cơ quan, đơn vị để gửi cho tiểu thương nhằm tạo sự tin tưởng. Vì chủ quan, mất cảnh giác nên đã có tiểu thương bị lừa chuyển khoản tiền đặt mua hàng hóa với số tiền lớn”, Trung tá Châu Phúc Thắng nhận định.

Ngoài trường hợp của bà L.T.T.A, còn có nhiều tiểu thương khác ở một số ngôi chợ và chủ cửa hàng kinh doanh hàng hóa, thực phẩm ở địa bàn TP Huế cũng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tương tự.

Anh Nguyễn Tuấn B., chủ một đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ ở Huế còn cho biết, mới đây có đối tượng tên Hoàng Huy kết bạn qua Zalo và đặt anh B đến trang trí, tổ chức tiệc sinh nhật. Sau khi cung cấp thời gian, địa điểm tổ chức tiệc cho anh B, đối tượng này cho biết muốn đặt thêm 50 hộp bánh loại cao cấp làm quà tặng cho bạn bè và gửi hình ảnh mẫu hộp bánh để nhờ anh B chuẩn bị, đồng thời cho số điện thoại người cung cấp loại bánh này.

“Do trước đó tôi đã bị lừa một lần cũng bằng hình thức nhờ đặt mua hàng như thế này nên tôi đã cảnh giác và không làm theo hướng dẫn của đối tượng. Nếu mình gọi điện đặt mua hàng cho đối tượng, sau đó chuyển khoản tiền hàng thì chắc chắn sẽ bị lừa ngay”, anh B cho biết thêm.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP Huế cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo đến người dân ở trên địa bàn về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để giúp người dân nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa. Nếu như trước đây, các đối tượng tội phạm thường nhắm đến chủ nhà hàng, quán ăn, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng để gọi điện đặt tiệc, nhờ mua hàng hóa thì giờ đây, chúng chuyển hướng sang lừa các tiểu thương hoặc người kinh doanh các mặt hàng thực phẩm.

“Nắm bắt tâm lý các tiểu thương cần bán được số lượng lớn hàng hóa, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay nên các đối tượng đã sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi để đặt hàng, nhờ tiểu thương mua hàng, rồi lừa chuyển khoản đặt cọc tiền hàng và chiếm đoạt số tiền này. Dù thủ đoạn lừa đảo này đã được cảnh báo, song các đối tượng đã làm mới hình thức để dụ dỗ tiểu thương dẫn đến nhiều người bị sập bẫy lừa”, Trung tá Lê Ngọc Minh chia sẻ.

Trước những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi mà các đối tượng tội phạm nhắm đến tiểu thương, chủ cửa hàng thực phẩm, cơ sở kinh doanh, quầy tạp hóa, ngoài tích cực điều tra làm rõ để nhanh chóng bắt được các đối tượng lừa đảo, hiện Công an TP Huế và Công an các địa phương đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo đến người dân.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần ghi nhớ, thực hiện “4 không, 2 phải”, gồm: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến; Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc; Không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội; Không làm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền. Ngoài ra, phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân; Phải liên hệ với cơ quan Công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo. Qua đó nhằm phòng chống và kịp thời ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.

Anh Khoa
.
.
.