Nhận giữ hộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá để "ăn" dầu DO
Ông Trần Phước Nghiệm (ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) thừa nhận có giữ hộ thiết bị giám sát các tàu cá khác để được nhận dầu DO; mỗi thiết bị được hứa cho từ 30 đến 60 lít. Khi bị bắt quả tang, ông Nhiệm đã nhận 120 lít dầu DO của 3 chủ tàu.
Liên quan vụ một tàu câu mực ở Cà Mau giấu 10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá, làm việc với cơ quan chức năng, nhiều chủ tàu thừa nhận chỉ đạo tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau xác định được cụ thể số thiết bị này được lắp trên 7 tàu của tỉnh Cà Mau, gồm: CM-99306-TS; CM-99332-TS; CM-99270-TS; CM-91864-TS; CM-99469-TS; CM-99402-TS; CM-91955-TS và 3 tàu của tỉnh Kiên Giang là: KG-90215-TS; KG-90819-TS; KG-90939-TS.
Trong 10 tàu cá nêu trên, 7 tàu cá có trình Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc khi ra khơi. Làm việc với cơ quan chức năng, có 3 chủ của 5 tàu thừa nhận chỉ đạo hoặc đồng ý cho thuyền trưởng tháo thiết bị giám sát; 4 chủ tàu của 4 tàu cá không thừa nhận trách nhiệm chỉ đạo hoặc đồng ý cho thuyền trưởng tháo thiết bị; còn 1 chủ tàu chưa làm việc được do ở tỉnh Kiên Giang.
Riêng tàu cá che giấu 10 thiết bị của các tàu cá nêu trên có số hiệu CM-91772-TS, do ông Trần Phước Nghiệm (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) điều khiển. Ông Nghiệm thuê lại tàu của một người ở Sông Đốc với giá 10 triệu đồng/tháng và tháo bỏ thiết bị giám sát hành trình của tàu để trên bờ trước khi ra biển.
Ông Nghiệm thừa nhận, có nhận điện thoai của các chủ tàu và thuyền trưởng để giữ thiết bị giám sát tàu cá, đổi lại được nhận dầu DO, mỗi thiết bị được hứa cho từ 30 đến 60 lít dầu. Khi bị bắt quả tang, ông Nhiệm đã nhận 120 lít dầu của 3 chủ tàu.
Trước đó, lúc 3h ngày 15/3, trong quá trình tuần tra tại tọa độ 9010’N – 104023’E (thuộc vùng lộng biển Cà Mau), Đội Thanh tra chuyên ngành thủy sản Sông Đốc (Chi cục Thủy sản Cà Mau) phát hiện tàu câu mực CM-91772-TS có dấu hiệu khả nghi. Tiến hành kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên tàu đang che giấu đến 10 thiết bị giám sát hành trình các tàu cá khác.
Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho biết, bước đầu xác định hành vi của các tàu cá nêu trên đã vi phạm pháp luật và sẽ kiến nghị xử lý nghiêm. Cụ thể, Nghị định 42, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, sẽ phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá “Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng”; “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét”, trừ trường hợp bất khả kháng”.