Nguyễn Đại Dương "phù phép" chuyển nhượng đất “vàng” như thế nào?
Việc thành lập Công ty Âu Lạc của bị cáo Nguyễn Đại Dương không phải để thực hiện dự án mà để chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu đất “vàng” 43 ha ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) của Tổng Công ty Bình Dương, và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc.
Chiều 24/8, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương tiếp tục phần tranh luận.
Đối đáp quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát nhận định, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) đã chủ động bàn bạc với con rể là bị cáo Nguyễn Đại Dương (thành lập và điều hành Công ty Âu Lạc) nhằm mục đích liên doanh thành lập Công ty Tân phú.
Việc thành lập Công ty Âu Lạc của bị cáo Nguyễn Đại Dương không phải để thực hiện dự án mà để chuyển nhượng quyến sử dụng đất khu đất “vàng” 43 ha ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) của Tổng Công ty Bình Dương, và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu lạc.
Hậu quả là bị cáo Nguyễn Văn Minh và bị cáo Nguyễn Đại Dương đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản là khu đất 43 ha, và 30% vốn điều lệ là tài sản của Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty tư nhân.
Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, ngay từ khi Công ty Âu Lạc chưa có quyền sử dụng đất khu đất 43 ha ở thành phố Thủ Dầu Một, và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương thì trước đó, bị cáo Nguyễn Đại Dương đã chủ động liên hệ với nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh (ở TP Hồ Chí Minh) để thỏa thuận về việc sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú (bao gồm 43 ha đất và toàn bộ vốn góp) cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh.
Ngoài ra, theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Đại Dương, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc) đã ký “Hợp đồng hứa mua, hứa bán” với Công ty Thuận Lợi do chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh làm đại diện.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, việc hứa mua, hứa bán do bị cáo Nguyễn Đại Dương chủ trương thể hiện rõ hai vấn đề:
Thứ nhất, liên doanh Công ty Tân Phú hoàn toàn không có ý định triển khai thực hiện dự án mà chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án bao gồm quyền sử dụng khu đất 43 ha ở thành phố Thủ Dầu Một, và vốn góp của liên doanh cho đối tác khác là công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh, trước cả khi Công ty Âu Lạc chưa sở hữu toàn bộ vốn tại Công ty Tân Phú (bao gồm 43 ha đất và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương 2).
Thứ hai, giữa bị cáo Nguyễn Văn Minh và bị cáo Nguyễn Đại Dương đã thỏa thuận rằng, khu đất 43 ha của Tổng Công ty Bình Dương và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sẽ được chuyển giao cho Công ty Âu Lạc.
Theo đại diện Viện kiểm sát, điều này không phải là sự suy diễn chủ quan vì những chứng cứ đều phù hợp với các tài liệu liên quan trong vụ án, phù hợp với diễn biến và phương thức, thủ đoạn mà bị cáo Nguyễn Văn Minh thực hiện để chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43 ha và 30% vốn góp diễn ra sau đó.
“Bị cáo Nguyễn Văn Minh bất chấp pháp luật, bất chấp quyết định quản lý của chủ sở hữu thực hiện việc chuyển nhượng trái phép gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Tháng 3/2017- thời điểm hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất 43 ha từ Tổng Công ty Bình Dương sang Công ty Tân Phú, Công ty thẩm định giá Tây Nam Bộ xác định giá trị doanh nghiệp Công ty Tân Phú, trong đó chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất khu đất 43 ha là hơn 528 tỷ đồng, trong khi giá trị chuyển nhượng từ Tổng Công ty Bình Dương cho Công ty Tân Phú chỉ là 250 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.
Theo đại diện Viện kiểm sát, các luật sư bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cho rằng, khi các bị cáo đề xuất, ban hành văn bản hướng dẫn áp đơn giá năm 2006 để thu tiền sử dụng đất thì số tiền thất thu 761 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, nhưng lại được chuyển sang cho Tổng Công ty Bình Dương thì vẫn thuộc về Nhà nước và không có thiệt hại xảy ra
Ngân sách Nhà nước khác với tài sản của một doanh nghiệp Nhà nước.
"Sự khác nhau căn bản giữa ngân sách Nhà nước với tài sản của doanh nghiệp Nhà nước ở chỗ, ngân sách Nhà nước được sử dụng cho quốc kế dân sinh, vì lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Còn tài sản của doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp ấy sử dụng trong sản xuất, kinh doanh vì lợi ích trước hết và trên hết của chính doanh nghiệp ấy”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, việc thu tiền sử dụng đất không đúng gây thất thu ngân sách, đồng thời còn là nguyên nhân gián tiếp, là điều kiện để các bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm trục lợi bằng việc thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân, tự định một mức giá thấp hơn nhiều lần giá thị trường của tài sản để chuyển nhượng, góp vốn trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, không có cơ sở để chấp nhận quan điểm của các luật sư khi cho rằng, không có thiệt hại xảy ra.
“Bị cáo Trần Văn Nam và đồng phạm là các cựu cán bộ tỉnh Bình Dương khi thực hiện các hành vi phạm tội là thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện cho Tổng Công ty Bình Dương là có căn cứ. Các bị cáo vun vén cho lợi ích của doanh nghiệp, nhưng đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản Nhà nước”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.