Mánh khóe của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng

Thứ Hai, 04/12/2023, 09:32

Mỗi mắt xích trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ phụ trách vận chuyển một quãng đường nhất định. Dưới sự phân công của các ông trùm, bọn chúng hoàn toàn không biết mặt nhau, sử dụng tên giả để che giấu nhân thân, chỉ nhận diện qua ám, tín hiệu đã được thống nhất từ trước...

Đại tá Ngô Văn Hải, Trưởng Phòng 1, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý, phân tích: Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137 km gồm 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia; có 12 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính, 26 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại hai bên biên giới. Trên tuyến có hệ thống giao thông liên kết giữa 2 nước bằng đường biển, đường sông và đường bộ là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, thương mại, du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Song, lợi dụng những điều kiện này, các đối tượng phạm tội đã và đang gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia qua tuyến biên giới Tây Nam vào Việt Nam tiêu thụ một phần tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, còn lại chủ yếu vận chuyển đến nước thứ ba.

Nguồn ma túy chủ yếu từ khu vực Tam giác Vàng qua Campuchia thẩm lậu qua tuyến biên giới vào Việt Nam, một phần ma túy được tiêu thụ trong nước (khu vực TP Hồ Chí Minh - địa bàn tiêu thụ lớn) còn một phần lớn được vận chuyển đi nước thứ ba như, Úc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản… Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động hết sức tinh vi, khép kín sử dụng các ứng dụng Internet như, Wechat, Zalo, Viber, Telegram... để thống nhất loại ma tuý, khối lượng, giá cả và địa điểm giao nhận. Sau đó, chúng thành lập đường dây để vận chuyển theo từng công đoạn với nhiều mắt xích từ Campuchia qua tuyến biên giới về TP Hồ Chí Minh.

Mánh khóe của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng -0
Một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia bị triệt phá.

Mỗi mắt xích trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ phụ trách vận chuyển một quãng đường nhất định. Dưới sự phân công của các ông trùm, bọn chúng hoàn toàn không biết mặt nhau, sử dụng tên giả để che giấu nhân thân, chỉ nhận diện qua ám, tín hiệu đã được thống nhất từ trước. Có rất nhiều đối tượng khác được thuê để đi trước để dò đường, cảnh giới. Khi nhận thấy an toàn thì mới thông báo cho đồng bọn để vận chuyển ma túy trên phương tiện khác. Thủ đoạn cất giấu cũng thường xuyên được thay đổi. Ma tuý được cất giấu trong người, khoảng trống tự nhiên hoặc tự tạo của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, giấu lẫn trong hàng hoá cồng kềnh như kiện hàng, máy móc, các mặt hàng phổ thông như thùng thuốc lá điếu, nông sản, hải sản...

Điển hình, vào ngày 5/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng khác triệt phá đường dây sản xuất, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy do Nguyễn Thị Hoài cầm đầu. Lực lượng Công an bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển ma túy, gồm: 14.796 gói ma túy tổng hợp "nước vui" có tổng khối lượng 75,5 kg; 139,5 kg ma túy tổng hợp dạng bột và 2,02 kg ma túy tổng hợp các loại dạng viên, tinh thể), 208 kg vỏ bao bì (đóng được khoảng 1 tấn ma túy). Vật chứng chuyên án thu giữ tổng cộng 217 kg ma túy tổng hợp. Trong vụ án này, Hoài đã ma mãnh phân công từng "mắt xích" giao nhận, mua bán, ma túy khép kín. Mọi trao đổi liên lạc của chúng qua một trong các ứng dụng công nghệ trên và dùng mật khẩu. Nếu trinh sát "xâm nhập" và không nắm được thì đường dây sẽ bị động. Khi đó, bọn chúng có thể dừng hoạt động.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, cho biết thêm: Qua điều tra các đường dây, mua bán ma túy xuyên quốc gia cho thấy, các đối tượng gây án chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Campuchia. Bọn chúng lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch, lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ còn thiếu... Do vậy, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng để hình thành nên các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Ma túy được mua bán, vận chuyển trái phép từ các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng, Svay Rieng (Campuchia) vào tỉnh Tây Ninh (Việt Nam). Một số đường dây khác được vận chuyển trái phép qua tuyến đường mòn dọc biên giới khu vực Tây Nguyên như: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư (Bình Phước), địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đưa vào nội địa tiêu thụ. Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc) với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong" để sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

N.Minh
.
.
.