Mang pháo tự chế đi chơi Tết thì đụng Cảnh sát 141

Thứ Bảy, 21/01/2023, 07:38

Mang theo lượng lớn pháo nổ tự chế, hai nam thanh niên bất ngờ gặp lực lượng Cảnh sát 141 và bị phát hiện hành vi ngay sau đó.

Chiều 20/1 (tức 29 tháng Chạp), tổ công tác Y9/141 (Phòng CSGT Hà Nội) phối hợp với Công an phường Minh Khai chốt trực thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch trên đường 32 – Nhổn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

candonline.still072.jpg -0
Cảnh sát 141 phát hiện hai nam thanh niên mang pháo tự chế.

Đến khoảng 14h50 cùng ngày, trinh sát báo về tổ công tác trường hợp của hai nam thanh niên đi xe máy BKS: 29X5-737.56 lưu thông theo hướng đi Hồ Tùng Mậu có biểu hiện nghi vấn nên đã chặn dừng phương tiện kiểm tra.

Kiểm tra hành chính ban đầu, nam thanh niên điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ theo quy định. Tiếp tục kiểm tra phương tiện, cảnh sát phát hiện một túi nilon chứa 28 quả pháo nổ dài khoảng 10cm trong cốp xe.

Đấu tranh tại chỗ, cả hai khai nhận tên là Cao Đăng Đạt và Cao Xuân Kiên (cùng SN 2004; trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tự chế tạo toàn bộ số pháo nổ trên để chơi Tết thông qua hướng dẫn trên mạng và đặt mua thuốc pháo cùng ngòi dẫn. 

Trước đó vào ngày 20/1, một nam thanh niên 16 tuổi (trú tại Nam Định) chơi pháo tự chế, bỗng nhiên pháo phát nổ khiến bàn tay dập nát, được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nối lại. Để tránh những hậu quả đáng tiếc như trên, trong dịp Tết Nguyên đán này, người dân cần nâng cao nhận thức, tránh xa với việc tự chế pháo và không mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.

Hiện tổ công tác Y9/141 đã bàn giao cả hai nam thanh niên cùng số pháo tự chế trên cho Công an phường Minh Khai tiếp tục xử lý theo quy định.

Được biết, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hai hành vi vi phạm này đều sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người vi phạm còn có thể bị truy tố về các tội khác như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là 15 năm hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

B.Châu
.
.
.