Luận cứ “hai hàng”, khó xác định các bị cáo đã thành khẩn nhận tội

Thứ Ba, 13/08/2024, 18:14

Ngày 13/8, phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong vụ án liên quan đến ngành đăng kiểm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư nhóm bị cáo thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50 -07V và đối đáp của đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đối với các trung tâm đăng kiểm thuộc khối V.

Quá trình tranh tụng, các luật sư cũng như các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận diễn biến hành vi của các bị cáo mà VKS nêu trong cáo trạng, luận tội với các bị cáo là đúng. Các luật sư và bị cáo đề nghị HĐXX xem xét về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và mức đề nghị trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Luận cứ “hai hàng”, khó mà xác định rằng bị cáo đang thành khẩn nhận tội -0
Một số bị cáo thuộc khối V.

Theo đại diện VKS, khi đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng, có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, khi trình bày một số luật sư vẫn cho rằng hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, rằng số tiền mà các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, không thực hiện hành vi theo yêu cầu của chủ phương tiện... do vậy chưa đủ căn cứ buộc tội đối với thân chủ. Ngoài ra, một số luật sư còn có ý kiến về cách tính tiền quy buộc trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Thậm chí có luật sư còn cho rằng, hành vi nhận tiền hối lộ của bị cáo là hành vi giúp đỡ chủ xe…

Đại diện VKS khẳng định, không thể có chuyện, vừa nhận tội, yêu cầu HĐXX và VKS áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án, nhưng đồng thời lại cho rằng việc VKS xác định hành vi của các bị cáo là chưa xác định đúng lỗi, rằng hành vi của các bị cáo không có lỗi. Theo đại diện VKS, việc trình bày luận cứ “hai hàng”, cho thấy khó mà xác định rằng các luật sư, các bị cáo đang thành khẩn nhận tội.

“Trong vụ án này khi đưa tiền, những người chủ xe chỉ yêu cầu là đăng kiểm đạt, dù có lỗi hay không. Khi chủ xe bỏ tiền và đăng kiểm viên nhận tiền xong, yêu cầu của chủ xe đã được đăng kiểm viên thực hiện, là xe đó sẽ được đăng kiểm đạt. Như vậy, yêu cầu đã được thực hiện”, đại diện VKS nhận định.

Đa số các luật sư và các bị cáo đều thừa nhận hành vi nhận tiền ở các trung tâm đăng kiểm khi kiểm định xe đã được thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo từ trước đó. Điều này thể hiện rõ ràng về hành vi trái pháp luật được thực hiện một cách công khai, theo chủ trương, tiền lệ tại các Trung tâm đăng kiểm. Bởi vậy, các chủ xe khi đi đăng kiểm, muốn đăng kiểm đạt, buộc phải chi tiền, buộc phải đưa tiền.

Do đó, việc CQĐT, VKS xác định tổng số tiền mà các ĐKV nhận từ chủ xe, để đăng kiểm đạt cho các phương tiện, đều là tiền nhận hối lộ, hoàn toàn có căn cứ.

Sau khi kết thúc phần đối đáp của đại diện VKS, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo thuộc khối D, do tư nhân làm chủ. Người tự bào chữa cho mình là Nguyễn Văn Đảng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đăng kiểm Nam Việt (Công ty mẹ của Trung tâm Đăng kiểm 50-10D). Bị cáo Nguyễn Văn Đảng bị đại diện VKS đề nghị từ 9-10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, đã thừa nhận hành vi và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

M.Đức - V.Hào. C.Linh
.
.
.