Lừa bán lan đột biến chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Bốn thanh niên không có nghề nghiệp, quê ở tỉnh Hoà Bình đã câu kết với nhau, lừa đảo nhiều người để bán lan đột biến bằng những lời dối trá, qua đó chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Ngày 29/9, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo lừa bán lan đột biến chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Bị cáo Quách Văn Hải (SN 1992), bị cáo Trần Hữu Sỹ (SN 1987), bị cáo Trịnh Hải Nam (SN 2002) và bị cáo Đỗ Văn Chung (SN 1987), đều trú ở thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, bốn bị cáo trên không có nghề nghiệp ổn định. Do cần tiền chi tiêu, Hải và đồng phạm tạo lập các tài khoản facebook ảo hoặc facebook tên “Hải Hoa Lan”, “Vườn Lan Quang Trung”, “Thành Chung” để rao bán lan đột biến.
Nhóm bị cáo này còn đăng tải các video, hình ảnh cây “mẹ” và các loại mặt hoa lan đột biến gen thật để quảng cáo, đồng thời cam kết là giống lan đột biến Hồng Yên Thủy, ký hiệu là HYT hoặc năm cánh trắng Hiền Oanh (HO).
Khi giao dịch với khách, nhóm bị cáo này cam kết sẽ “bảo hành cây đến khi ra hoa. Nếu sai cây, sai hoa sẽ thu mua lại theo đúng giá thị trường”.
Đề phòng khách hàng đòi đến tận vườn, các bị cáo thuê và mượn các địa chỉ là huyện Hoài Đức, quận Long Biên, quận Ba Đình (Hà Nội) để làm vườn lan, lấy chỗ giao dịch.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, bị cáo Hải và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng của 7 cá nhân. Trong số các bị hại của án có anh Ngô Duy L bị chiếm đoạt nhiều nhất với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Giữa tháng 1/2021, Nam chụp ảnh ba cây lan phi điệp thường, cao tầm 11-15cm tại vườn của Sỹ tại địa chỉ xã An Khánh, huyện Hoài Đức, rồi rao bán trên facebook Nguyễn Duy Mạnh với những lời dối trá là lan đột biến gen 5 cánh trắng Hiền Oanh
Anh L liên hệ hỏi mua thì được Nam gửi cho các video, hình ảnh chứa mặt hoa đột biến thật, cam kết chuẩn giống, chuẩn mặt hoa và bảo hành đến khi cây ra hoa. Anh L. đồng ý mua 3 cây với giá hơn 200 triệu đồng.
Sau khi nhận chuyển khoản tiền, Nam thuê xe chở ba cây lan trên đến cho anh L, ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Một tháng sau, anh L tiếp tục hỏi mua hai cây lan đột biến do Nam quảng cáo trên facebook với giá 97 triệu đồng.
Sau khi nhận đủ tiền từ anh L, lo sợ bị phát hiện nên Nam đã xóa tài khoản facebook. Đến tháng 4/2021, biết Hải đang bị Công an điều tra, Nam đã vứt sim điện thoại để xóa dấu vết.
Viện kiểm sát xác định, Hải thực hiện 7 vụ lừa bán 18 cây lan đột biến gen giả cho 6 bị hại, chiếm đoạt 900 triệu đồng, hưởng lợi 525 triệu đồng. Sỹ thực hiện 8 vụ lừa bán 21 cây cho 2 bị hại, chiếm đọat 616 triệu đồng, hưởng lợi 320 triệu đồng.
Nam thực hiện 8 vụ lừa bán 21 cây cho 1 bị hại chiếm đoạt 624 triệu đồng, hưởng lợi 264 triệu đồng. Chung thực hiện 4 vụ, lừa bán 8 cây cho 3 bị hại số tiền 375 triệu đồng và hưởng lợi bất chính 282 triệu đồng.
Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hải 12 năm tù, bị cáo Chung 6 năm tù, bị cáo Sỹ và bị cáo Nam cùng 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.