Lĩnh 8 năm tù vì lừa đảo “chạy” việc vào Công an
Việt nói với ông D, anh ta biết được chủ trương, biết quy trình và có nhiều mối quan hệ có thể giúp được anh T vào phục vụ trong lực lượng Công an với chi phí 650 triệu đồng. Do tin tưởng Việt nên gia đình ông D đã đưa tiền cho Việt và bị chiếm đoạt.
Ngày 28/6, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lương Hồng Việt (SN 1987, trú tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đánh bạc”. Liên quan tới vụ án này, bị cáo Trần Văn Phong (SN 1987) và bị cáo Ngô Văn Quang (SN 1987) cùng trú tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong bị xét xử về tội “Đánh bạc”.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, cuối tháng 7/2020, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận được đơn của ông D (SN 1969, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo Việt có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của ông số tiền 650 triệu đồng để lo cho con trai ông vào công tác trong lực lượng Công an.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, ông D có con trai tên T từng là chiến sỹ nghĩa vụ trong lực lượng Công an. Sau khi anh T ra quân, gia đình ông D có nguyện vọng xin cho con được vào công tác lâu dài trong lực lượng Công an.
Khoảng tháng 10/2017, thông qua giới thiệu, ông D gặp Việt để nhờ Việt giúp đỡ. Thời điểm đó, Việt công tác tại một cơ quan Nhà nước.
Việt nói với ông D, anh ta biết được chủ trương, biết quy trình và có nhiều mối quan hệ có thể giúp được anh T với chi phí 650 triệu đồng. Do tin tưởng Việt nên gia đình ông D đã đưa tiền cho Việt. Mỗi lần nhận tiền, Việt đều viết giấy biên nhận, trong đó xác định mục đích nhận tiền là xin cho anh T vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Cuối năm 2018, thấy Việt không xin được việc cho anh T như đã hứa nên ông D đòi lại tiền. Sau nhiều lần đòi tiền, đến cuối năm 2018, Việt chỉ trả cho gia đình ông D 565 triệu đồng. Do đó, ông D đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Tại cơ quan điều tra, Việt khai nhận, anh ta không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Và sau khi nhận tiền của ông D, Việt đã chuyển cho một người khác.
Trong khi đó, người mà Việt khai đã chuyển tiền cho biết, họ không quen biết Việt và cũng không nhận tiền của Việt để xin việc cho anh T. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành đối chất giữa hai người, và cả hai đều giữ nguyên lời khai trên.
Cơ quan điều tra kết luận, ngoài lời khai của Việt, không có thêm tài liệu nào chứng minh việc Việt đã chuyển tiền nên không đủ căn cứ xác định, có người khác đã nhận tiền từ Việt nên không có căn cứ để xử lý.
Kết quả xác minh tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động xác định, từ tháng 11/2017 đến hết năm 2018, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động không nhận được hồ sơ xin tuyển dụng lại anh T phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an.
Quá trình điều tra còn xác định, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, Việt còn có hành vi đánh bạc. Theo kết quả điều tra, Việt, Quang và Phong là bạn bè cùng quê. Qua giới thiệu, Việt biết Quang và Phong có nhận ghi các số lô, số đề.
Ngày 30/10/2020, Việt dùng điện thoại di động nhắn tin cho Phong để đánh bạc dưới hình thức mua số lô với số tiền hơn 11 triệu đồng. Ngày 1/11/2020, Việt tiếp tục sử dụng điện thoại nhắn tin cho Quang để đánh bạc dưới hình thức mua số lô với số tiền 11,5 triệu đồng.
Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Việt 8 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc. Bị cáo Phong bị tuyên phạt 12 tháng tù về tội đánh bạc. Cũng tội danh này, bị cáo Quang bị tuyên phạt 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Được biết, trước khi gây ra vụ án này, Phong đã có một tiền án về tội đánh bạc, chưa được xoá án tích.