Kiểm tra quán bar, lòi ra…ma túy!
Chỉ trong một tuần lễ, cơ quan chức năng đã kiểm tra hành chính 2 lần quán bar TH Club (số 238 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và lần nào cũng phát hiện hàng chục người dương tính với chất ma túy…
Khoảng 1h ngày 29/12, Công an TP Thủ Dầu Một phối hợp lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh tại quán TH CLUB (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một). Thời điểm kiểm tra có hàng chục người tại quán bar, lực lượng chức năng phát hiện tại 2 bàn với 12 khách có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong đó, 1 bàn do Hoàng Tiến Anh (SN 2003, quê Hà Nội; làm DJ quán bar) mang ma túy đến cùng các đối tượng khác sử dụng. Tiến hành test nhanh, lực lượng Công an phát hiện 30 đối tượng dương tính với ma tuý, trong đó có quản lý và 4 nhân viên quán bar.
Ngoài ra, lực lượng Công an phát hiện tại cơ sở bar TH Club 10 bình “khí bóng cười” N2O và 40 bao thuốc lá ngoại, cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy phép theo quy định. Bên cạnh đó, cửa thoát hiểm giữa nhà chính và khu vực kho không đủ kích thước theo quy định an toàn PCCC.
Trước đó, ngày 22/12/2024, cũng tại quán bar này, Công an TP Thủ Dầu Một cũng đã kiểm tra hành chính phát hiện 42 đối tượng dương tính với chất Ma tuý (trong đó 6 người là nhân viên của Quán Bar T.H CLUB) đồng thời thu giữ nhiều loại ma tuý. Bên cạnh tạm giữ hình sự Hoàng Tiến Anh, cơ quan chức năng xử phạt hành chính 26 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý tại bar TH Club.
Không kém cạnh bar TH Club là quán bar D1 ở TP Thuận An, Bình Dương. Giữa tháng 11/2024, Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra hành chính đã phát hiện hàng chục thanh niên nam, nữ có tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy. Quá trình đấu tranh, Công an đã xác định 17 đối tượng có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng khai nhận đã mua ma túy (Ketamin, thuốc lắc…) từ bên ngoài, sau đó rủ nhau tới cơ sở kinh doanh Bar D1 để cùng sử dụng.
Trước đó, vào tháng 12/2023, cũng tại quán bar này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Công an TP Thuận An kiểm tra bar D1 cũng phát hiện 39/69 khách dương tính với ma túy. Làm việc với Công an, hộ kinh doanh chưa cung cấp được hồ sơ về việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình về thay đổi lao động. Hộ kinh doanh chưa cung cấp được biên bản kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Công an TP Thuận An.
Trên thực tế việc xử lý quán bar là trần ai, bởi sự kẽ hở của pháp luật. Cụ thể, chủ doanh nghiệp (DN) hoặc hộ kinh doanh xin thành lập nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cà phê… có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini. Nói là mini nhưng nhiều nơi có sức chứa lên đến hàng trăm người. Và thường sau 23h, các cô gái ăn mặc “thiếu vải”, các chàng trai tóc xanh, tóc đỏ, xăm mình vằn vện… từ các nơi bắt đầu đổ về đông đúc để cùng nhau “quẩy” và chơi ma túy. Phần đông các đối tượng vào quán bar là các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có nhưng chơi bời lêu lổng, đối tượng tội phạm, giang hồ, gái mại dâm cao cấp, tiếp viên nhà hàng… “đốt” tiền để mua “cảm giác mạnh” từ tiếng nhạc chát chúa, xập xình. Sau đó là những buổi tiệc “quẩy tới bến” với ma túy và cuối cùng là những cuộc “mây mưa” bên trong khách sạn, nhà trọ.
Hệ lụy từ quán bar là vậy nhưng việc xử lý, xóa sổ quán bar vi phạm thì chẳng dễ dàng gì. Theo các cán bộ Công an tham gia các cuộc kiểm tra ở các quán bar ở Bình Dương cho biết, việc kiểm tra quán bar lúc nào cũng có kết quả trên dưới 50% số người dương tính với ma túy; các lỗi vi phạm thường thấy bán rượu mạnh không phép; ánh sáng, âm thanh vượt mức cho phép; PCCC không đảm bảo; buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh… Các lỗi này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với khoản tiền chẳng đáng là bao so với lợi nhuận kếch xù mà các người chủ thu được. Thế cho nên, việc bị kiểm tra và phạt vi phạm hành chính, các chủ quán bar coi như chuyện bình thường, không đáng để bận tâm.
Bởi các cơ sở hoạt động núp bóng dưới quán ăn, nhà hàng và có giấy phép hẳn hoi nhưng không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT. Cho nên, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần, cơ quan Công an đề xuất rút giấy phép kinh doanh cũng hết sức trần ai vì đề xuất là một chuyện, còn có rút giấy phép hay không lại là chuyện khác. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp (DN) chỉ bị rút giấy phép trong các trường hợp: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo; DN hình thành do những người bị cấm thành lập DN; DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; DN không gửi báo cáo theo quy định đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản và trường hợp khác theo quyết định của Tòa án. Chiếu theo đó thì những vi phạm của DN kinh doanh quán bar, vũ trường không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không thể rút giấy phép.
Trên thực tiễn có một số trường hợp vi phạm Luật DN, bị rút giấy phép nhưng sau đó họ nhờ người nhà hoặc thuê người khác đứng tên thành lập DN mới và tiếp tục hoạt động trên mặt bằng cũ. Nguyên nhân là do pháp luật không cấm việc thành lập DN trên địa điểm bị rút giấy phép trước đó nên cũng không làm gì được họ. Ngoài ra, một số người chủ bị phạt hành chính nhiều lần thì họ chuyển sang chủ mới rồi tiếp tục hoạt động như chẳng có chuyện gì xảy ra. Còn người cho thuê nhà, do số tiền thuê được kẻ kinh doanh tệ nạn trả rất cao so với giá thị trường nên họ cũng làm ngơ trước việc vi phạm pháp luật của người thuê…
Đặc biệt, chiêu đối phó phổ biến hiện nay là người chủ làm một giấy ủy quyền giao cho người quản lý toàn quyền điều hành quán và chịu trách nhiệm trước pháp luật những việc mình làm. Nên trong trường hợp có vi phạm pháp luật hình sự xảy ra thì người chủ đều thoát tội. Cho nên việc xử lý quán bar vi phạm hiện nay như “bắt cóc bỏ đĩa” vì chỉ xử lý được phần ngọn (những đối tượng tổ chức, xử dụng trái phép chất ma túy), còn phần gốc (chủ cơ sở kinh doanh) vẫn đang là bài toán khó.