Hiệu quả trong việc xử lý các "quái xế"

Thứ Hai, 29/11/2021, 09:50

Hiện nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa và khu vực phụ cận, tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy không biển kiểm soát hoặc che biển kiểm soát, tụ tập đông người đi dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm…

Thậm chí, một số đối tượng còn bốc đầu xe, cố tình chống đối, cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ, gây mất trật tự ATGT và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Mặc  dù biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật về ATGT, nhưng vì tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.  

21h đầu tháng 11, chúng tôi theo chân tổ tuần tra vũ trang của Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trên tuyến quốc lộ 47, đoạn qua Khu công nghiệp Lễ Môn, thuộc địa bàn phường Quảng Hưng, trong tiết trời chớm đông se se lạnh, xen lẫn những người tham gia giao thông là một tốp thanh, thiếu niên điều khiển môtô đi dàn hàng ngang chiếm hết phần đường.

5_den_tan_nha_xu_ly_vi_pham_jpg-1638151794629.jpg
Thông qua các video clip, lực lượng Cảnh sát cơ động đã đến tận nơi cư trú của các đối tượng vi phạm để xử lý “phạt nguội”.

Hầu hết những thanh niên này đều không đội mũ bảo hiểm, tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, nẹt pô trêu ghẹo người đi đường. Một số đối tượng còn trổ "tài" bốc đầu xe, thậm chí, khi thấy Cảnh sát cơ động đang tuần tra, các đối tượng còn chèn ép đầu xe, lạng lách, đánh võng ngay trước mặt Cảnh sát.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua công tác rà soát, nắm tình hình, trên địa bàn TP Thanh Hóa và các địa bàn giáp ranh như TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa có khoảng 11 nhóm thanh, thiếu niên như "Racing boy", "Tai thỏ" "Bắc cọp", "Thanh béo", "Thiết Đạt"... với khoảng 100 đối tượng có độ tuổi từ 15 - 20 tuổi thường xuyên tụ tập đi xe môtô, xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chống đối, cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ. Hầu hết những thanh, thiếu niên này đều thiếu sự quan tâm chăm sóc, quản lý của gia đình, nhiều trường hợp còn chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô.

Điển hình như trường hợp Nguyễn Xuân Tú (16 tuổi), ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, khi bị Cảnh sát cơ động bắt, xử lý về hành vi đi xe môtô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm... đã hối hận: "Cháu biết điều khiển phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng và không đội mũ bảo hiểm rất dễ xảy ra TNGT và nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng do không làm chủ được mình nên khi được bạn bè, các anh lôi kéo "tìm cảm giác mạnh", cháu đã trốn bố mẹ, tụ tập cùng đám bạn và các anh đi xe với tốc độ cao trên một số tuyến đường của thành phố". Khi bị Cảnh sát cơ động phát hiện, rồi cùng chính quyền địa phương đến tận nhà gặp gỡ, trao đổi với bố mẹ kèm theo những bằng chứng vi phạm của cháu và bạn bè được ghi lại qua hình ảnh, cháu không dám tụ tập và đi xe với tốc độ cao như vậy nữa.

Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật ATGT đường bộ, nhất là các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chống đối, cản trở lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo và giao cho Phòng Cảnh sát cơ động  Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và các huyện lân cận tiến hành khảo sát, rà soát, nắm phương thức hoạt động của các nhóm thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đối tượng điều khiển phương tiện môtô, xe máy lạng lách, đánh võng.

Với phương châm vừa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, vừa tuyên truyền, vận động, giải thích để những người vi phạm nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình, lực lượng Cảnh sát cơ động ngoài việc tổ chức truy bắt "nóng" các trường hợp vi phạm trên đường, còn thành lập các tổ công tác tiến hành lập hồ sơ, xác định rõ nơi thường trú, lí lịch của từng đối tượng. Đồng thời tổ chức ghi lại hình ảnh vi phạm của từng đối tượng, nhóm đối tượng, sau đó phối hợp với lực lượng Công an cơ sở đến tận gia đình mời các đối tượng lên làm việc.

 Tại đây, các đối tượng được xem lại những hình ảnh vi phạm và viết bản tường trình lấy lời khai. Tất cả các trường hợp này đều có sự có mặt của bố, mẹ để có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe con em mình không tái phạm. Bên cạnh đó, một tổ công tác lưu động của lực lượng Cảnh sát cơ động cũng được thành lập với nhiệm vụ khảo sát, rà soát, nắm rõ phương thức hoạt động của các nhóm thanh, thiếu niên có hành vi cố tình vi phạm Luật ATGT trên các tuyến, địa bàn. Từ đó phân công, bố trí lực lượng triển khai các phương án vây bắt với phương châm vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân, người tham gia giao thông và cả đối tượng.

Với cách làm này, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và các địa bàn giáp ranh bắt, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm Luật ATGT đường bộ. Chỉ tính từ ngày 5/10 đến nay, lực lượng Cảnh sát cơ động đã bắt, xử lý gần 200 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 50 triệu đồng. Trong đó, bắt, xử lý 7 nhóm, trên 60 đối tượng thường xuyên tụ tập điều khiển xe môtô, xe máy lạng lách, đánh võng, vi phạm các quy định về trật tự ATGT và làm tan rã, giải tán nhiều nhóm khác. Bên cạnh đó phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 7 đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép ma túy…

Thiếu tá Nguyễn Quốc Quân cho biết thêm: “Chúng tôi đã xây dựng phương án bắt giữ rất chi tiết, trong đó phân công nhiệm vụ và bố trí lực lượng cụ thể đến từng cán bộ. Những trường hợp vi phạm đều có hồ sơ quản lý chặt chẽ từ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, loại xe vi phạm, ngày, giờ, hình thức vi phạm... và củng cố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh và các video clip về những lỗi vi phạm của các đối tượng. Khi triển khai phương án bắt xử lý, nếu những trường hợp cố tình vi phạm, tháo chạy, cán bộ, chiến sĩ không nhất thiết phải đuổi theo, mà sẽ phối hợp với chính quyền và lực lượng Công an địa phương đến tận nơi cư trú của đối tượng để xử lý nguội. Đây là một cách làm mới, mang lại hiệu quả tích cực, được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ”.

Ý thức tự giác và văn hóa giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự an toàn cho mỗi người và cho cộng đồng. Việc bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT chỉ là giải pháp cuối cùng. Điều quan trọng hơn, đó chính là trách nhiệm và sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và cả cộng đồng để quản lý, giáo dục con em mình để các em tự nâng cao ý thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Đình Hợp
.
.
.