Hàng tỷ đồng “bốc hơi” vì bẫy lừa mới

Thứ Bảy, 28/10/2023, 08:54

Thời gian qua, mặc dù Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao (CNC) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Với các phương thức thủ đoạn tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều bị hại với nhiều thành phần khác nhau gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

“Bốc hơi” gần 2,6 tỷ đồng sau khi cài app giả

Chị H.T.T.N (trú TP Huế) vừa đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng CNC Công an tỉnh trình báo về việc bị đối tượng lừa qua mạng, chiếm đoạt số tiền 2,580 tỷ đồng. Theo tường trình của chị N, chị nhận được cuộc gọi của một người xưng là cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, thông báo về việc chị liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và lừa đảo. Lúc này, chị N hoang mang, giải thích không liên quan thì đối tượng cho rằng, để chứng minh không có tội thì chị phải hợp tác điều tra bằng cách nộp tiền vào tài khoản ngân hàng.

Trung tá Phan Khắc Hiệp, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội cho biết, qua thu thập lời khai từ chị N, cho thấy thủ đoạn của đối tượng rất tinh vi, đó là để tránh việc nạn nhân hỏi ý kiến người thân xung quanh, đối tượng yêu cầu nạn nhân thuê phòng nghỉ bên ngoài để tiếp tục trao đổi. Đồng thời, đề nghị nạn nhân mua mới 1 điện thoại hiệu Samsung và sim. Sau đó, yêu cầu chị N tải và cài đặt app “Bộ Công an” từ đường dẫn (link) https://0113.0113084.com/down load về máy điện thoại. Sau khi cài đặt xong, đối tượng đề nghị nạn nhân mở tài khoản tại ngân hàng Vietcombank và nạp tất cả tiền vào đó để phục vụ công tác điều tra.

Hàng tỷ đồng “bốc hơi” vì bẫy lừa mới -0
Đối tượng Lê Thị Kiều Trang (x) sử dụng thông tin cá nhân của người khác, giả danh nhân viên các App đòi nợ.

Do liên tục bị đe dọa và gây sức ép nên chỉ trong 4 ngày, chị N nhiều lần chuyển tổng số tiền 2,580 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng Vietcombank đã mở trước đó. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra số dư trong tài khoản, nạn nhân phát hiện toàn bộ số tiền nộp vào tài khoản đã bị “bốc hơi”. Điều đáng nói, để có số tiền lớn nộp vào tài khoản, chị N. đã vay mượn của hơn 10 người là bà con, người thân.

Theo điều tra, xác minh ban đầu, app “Bộ Công an” được nêu trên là một trong những ứng dụng được sử dụng để đánh cắp thông tin giúp các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân bao gồm cả cuộc gọi, tin nhắn (OTP)… Sau khi chiếm được thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng, các đối tượng tiến hành đăng nhập và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng. Hiện, cơ quan Công an đang tiến hành xác minh, truy tìm đối tượng.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Mới đây, lực lượng Phòng ANM và PCTP sử dụng công CNC Công an Thừa Thiên Huế phát hiện 1 tài khoản mạng xã hội Facebook có hoạt động tiếp cận với các sinh viên Đại học Huế và người trên 18 tuổi mở thẻ tín dụng mua sắm tiêu dùng với thủ tục đăng ký trực tuyến chỉ cần CCCD. Thông qua hoạt động này, đối tượng hướng dẫn nhiều nạn nhân cài đặt app “X” để phục vụ thanh toán các hóa đơn: điện, nước, điện thoại… rồi chiếm đoạt số tiền đó.

Cụ thể, sau khi cài đặt, nạn nhân sử dụng app “X” để phục vụ hoạt động thanh toán các hóa đơn, lúc này tại app “X” đã phát sinh một khoản nợ đối với nạn nhân và sẽ tiến hành nhắc nợ khi đến kỳ hạn. Lợi dụng việc nạn nhân không để ý thông báo nhắc nợ của app “X”, các đối tượng mạo nhận là nhân viên công ty X, sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Zalo ảo nhắn tin đe dọa, tạo áp lực yêu cầu nạn nhân phải trả nợ khoản vay từ app “X”.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của các đối tượng, nạn nhân phải chuyển khoản vào các số tài khoản do đối tượng cung cấp, không được chuyển vào số tài khoản trả nợ của công ty X trong email gửi về. Một nữ sinh viên (đang theo học tại Huế) cho biết: “Mặc dù em không hề nợ tiền nhưng đã bị đối tượng liên tục gọi điện yêu cầu phải trả nợ. Các đối tượng đe dọa nếu không trả nợ sẽ đưa hình ảnh của em lên mạng xã hội khiến em rất hoang mang. Vì vậy, em đành chuyển khoản 1,2 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp”.

Một số nữ sinh viên vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và người thân xung quanh nên đã nhiều lần chuyển khoản trả nợ theo yêu cầu của các đối tượng, trong khi đó khoản nợ thực tế từ app “X” nạn nhân vẫn chưa hề trả. Liên quan đến việc trình báo của một số sinh viên, qua điều tra, ngày 27/10, Phòng ANM và PCTP sử dụng CNC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa bắt giữ đối tượng Lê Thị Kiều Trang (SN 2001, trú TP Đông Hà, Quảng Trị) về hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện hành vi thanh toán và giả danh nhân viên các app đòi nợ, đe dọa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, vụ án đang được điều tra mở rộng.

Ngoài các thủ đoạn nói trên, gần đây nhiều người dân tiếp tục sập bẫy lừa với thủ đoạn đầu tư online. Điều đáng nói, không ít nạn nhân bị lừa là người có trình độ. Mới đây, chị C.T.T (trú TP Huế) nhận được tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội Zalo “Đào Ngọc Linh” với nội dung kêu gọi đầu tư tài chính trên app Prudential với mức đầu tư thấp và siêu lợi nhuận. Cụ thể, lần thứ 1, chị T nạp 100 nghìn, thực hiện nhiệm vụ trên app và rút về được 130 nghìn đồng. Lần thứ 2 nạp 300 nghìn đồng, thực hiện nhiệm vụ và rút về được 390 nghìn đồng. Lần thứ 3 nạp 2,4 triệu đồng và rút về được 3,6 triệu đồng… Đến lần thứ 6, chị T nạp 3 triệu đồng nhưng không rút được tiền về. Sau đó, đối tượng đưa ra các lý do như: làm sai nhiệm vụ, phí hoa hồng, phí lưu giữ tài sản….và yêu cầu chị T nạp thêm các khoản với tổng số tiền gần 600 triệu đồng mới hoàn lại tất số tiền gốc và lãi đã đầu tư. Chị T đã tin tưởng làm theo và sau đó không lấy lại được tiền.

Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng ANM và PCTP sử dụng CNC Công an Thừa Thiên Huế cho biết, qua công tác đấu tranh, nhận thấy một số phương thức, thủ đoạn chính nổi lên như: mạo danh các cơ quan chức năng Công an, viện kiểm sát, tòa án; mạo danh các quân nhân, các thương gia của nước ngoài rồi làm quen qua mạng, rồi tỏ tình yêu đương, hứa hẹn tặng quà với giá trị rất lớn và yêu cầu người nhận chuyển các khoản phí để chiếm đoạt; tạo đường link giả giao diện của cơ quan, doanh nghiệp hoặc các chương trình phát sóng trên truyền hình; lợi dụng các công ty tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài mời gọi đầu tư trên không gian mạng với lợi nhuận cao… cùng nhiều thủ đoạn khác.

Công an khuyến cáo, trước các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại thì người dân tuyệt đối không chụp ảnh và cung cấp các thông tin như họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền cho người không quen biết qua mạng internet. Không đăng nhập vào các đường dẫn (link) lạ được chia sẻ trên mạng internet. Đối với tài khoản Facebook, Zalo, Gmail… cần phải đặt mật khẩu có nhiều ký tự đặc biệt và xác thực nhiều lớp đề phòng các đối tượng lạ chiếm quyền (hack) sử dụng…

Cơ quan Công an cho biết, một thủ đoạn nổi lên gần đây là đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện cho nạn nhân để hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập đường link do đối tượng cung cấp để cài đặt ứng dụng có tên, logo của các cơ quan chức năng như: “AN NINH MẠNG”, “AN TOÀN THÔNG TIN”… và thực hiện thao tác theo hướng dẫn. Sau khi cài đặt thành công ứng dụng có chứa mã độc thu thập thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu cấp quyền truy cập; đối tượng sẽ chiếm được quyền điều khiển điện thoại (cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu cá nhân… ), kiểm soát được tài khoản ngân hàng của nạn nhân (tên đăng nhập, mật khẩu và tin nhắn chứa mã OTP) và thực hiện các lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Hải Lan
.
.
.