Hai vợ chồng điều hành đường dây sản xuất, mua bán hàng nghìn bằng cấp, giấy tờ giả
Từ năm 2018 đến nay, đường dây này đã sản xuất, in ấn và mua bán hàng nghìn bằng cấp, giấy tờ giả cho người mua ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số tiền hưởng lợi trái phép lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Ngày 30/12, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã thông tin về đường dây hoạt động sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng Internet.
Trước đó, qua hoạt động nghiệp vụ, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện nhóm đối tượng hoạt động sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng Internet.
Thực hiện Kế hoạch đấu tranh, ngày 29/12, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng loạt 3 tổ công tác kiểm tra, khám xét 3 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh; triệu tập, làm việc với 6 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên không gian mạng. Kết quả kiểm tra, khám xét đã thu giữ: 2 máy tính, 20 điện thoại di động, 1.000 con dấu giả, 3.000 tem giả, 6.000 phôi bằng cấp giả, 1.100 bằng cấp giả đã in ấn và nhiều máy in màu, máy scan, máy ép nhựa để phục vụ cho hoạt động sản xuất bằng cấp, giấy tờ giả.
Đường dây do đối tượng Trần Phúc (SN 1983) và vợ là Nguyễn Thị Tươi (SN 1985, cùng trú tại phường Phú Hữu, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu. Hai vợ chồng Phúc đã chỉ đạo các đối tượng gồm Đỗ Đức Tuấn, Nguyễn Trung Thảo, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thị Thêm tổ chức sản xuất, mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả. Đồng thời tạo lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Zalo với nội dung: “Em nhận làm mới và cấp lại các loại CMND, căn cước, đăng ký xe, Cavet, Bằng cấp 3 đến đại học, giấy phép lái xe (GPLX) xe máy, ô tô B2, C... và tất cả giấy tờ khác, giao hàng toàn quốc”. Khi khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ với số điện thoại đăng trên Facebook, Zalo để trao đổi thông tin, giá tiền cụ thể. Nhóm đối tượng trên nhận làm nhiều loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả với giá tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.
Khi có khách hàng đặt làm giấy tờ, tài liệu giả, đối tượng Trần Phúc sẽ liên hệ Tuấn, Thảo để thực hiện hoạt động sản xuất con dấu, in ấn bằng cấp giả theo yêu cầu của khách hàng. Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan Công an.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đường dây sản xuất, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả hoạt động từ năm 2018 đến nay; đã sản xuất, in ấn và mua bán hàng nghìn bằng cấp, giấy tờ giả cho người mua ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số tiền hưởng lợi trái phép lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Hiện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh, mở rộng vụ án, làm rõ hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.