Giết người vì chén rượu, bố con lĩnh án tử hình và chung thân

Thứ Tư, 31/05/2023, 15:30

Bị cáo Ninh chỉ đạo con nuôi là bị cáo Sơn kháng cáo kêu oan về tội giết người, nhưng bất ngờ bị cáo Ninh lại nhận tội khi nói lời sau cùng và xin giảm nhẹ hình phạt, song không được chấp nhận.

Ngày 31/5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét kháng cáo của bị cáo Lê Ngọc Ninh (SN 1969, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và con nuôi bị cáo Ninh là bị cáo Nguyễn Văn Sơn (SN 1989, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về tội giết người. Trong vụ án này, đại diện bị hại cũng kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt và tăng mức bồi thường dân sự.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ninh tù chung thân, bị cáo Sơn tử hình cùng về tội giết người. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Ninh kháng cáo kêu oan, bị cáo Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện gia đình bị hại cũng kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với bị cáo Ninh và tăng mức bồi thường dân sự.

Bất ngờ nhận tội sau khi kêu oan vẫn bị y án chung thân -0
Bị cáo Ninh (áo trắng) và bị cáo Sơn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/5.

Theo bản án sơ thẩm, chiều 5/10/2021, ông Nguyễn Đỗ Tỵ (SN 1965, trú tại huyện Phúc Thọ) mời thẩm phán TAND huyện Phúc Thọ sang bếp ăn của Viện KSND huyện Phúc Thọ liên hoan. Tới nơi, họ gặp ông Nguyễn Đức Trường, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Phúc Thọ đang trực tại trụ sở nên mời tham gia.

Ông Trường nhận lời nhưng cho biết, đã có hẹn với Ninh. Vì vậy, cả nhóm mời thêm Ninh tới dự liên hoan. 19h30’ cùng ngày, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Phúc Thọ và thẩm phán TAND huyện Phúc Thọ về trước. Trên bàn nhậu còn ông Tỵ, Ninh và 7 người khác tiếp tục cuộc vui.

Ông Tỵ muốn mời Ninh uống rượu nên một người khách rót cho cả hai. Tuy nhiên, Ninh cho rằng, rượu trong chén mình màu vàng, còn rượu trong chén ông Tỵ màu nhạt hơn nên nghi là nước và mắng người rót rượu.

Người rót rượu sau đó xin lỗi nhưng vẫn bị Ninh cầm chén ném vào mặt. Trước thái độ không hay của Ninh, người tên Trường trong nhóm nhậu đứng dậy đấm Ninh và cuộc nhậu lập tức giải tán.

Ra tới cổng VKSND huyện Phúc Thọ, Ninh chặn ông Tỵ lại, yêu cầu phải bắt Trường xin lỗi mình, nhưng yêu cầu của Ninh không được chấp nhận. Do vậy, Ninh điện thoại gọi con nuôi là Sơn đến. Khi Sơn đến nơi, Ninh liếc mắt, chỉ ngón tay về phía ông Tỵ để ra hiệu cho Sơn phải đánh người này. Sơn thấy bố nuôi chỉ đạo nên vừa tấn công ông Tỵ vừa chửi. Vụ hành hung này đã khiến ông Tỵ bị thương nặng và tử vong hai ngày sau đó.

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Sơn nhận tội và mong được gia đình bị hại tha thứ, đồng thời mong tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối với bị cáo Ninh, ban đầu không nhận tội khi cho rằng, chỉ gọi Sơn đến để đưa mình về chứ không phải để đánh nhau. Ninh cũng phủ nhận việc đánh mắt, chỉ tay ra hiệu cho Sơn đánh ông Tỵ.

Nhưng khi Hội đồng xét xử phúc thẩm cho nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo Ninh lại nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng, có đủ căn cứ xác định, bị cáo Ninh do có mâu thuẫn trong cuộc nhậu nên đã gọi bị cáo Sơn tới đánh ông Tỵ. Điều đó thể hiện tính côn đồ của Ninh. Đối với bị cáo Sơn đã thực hiện hành vi dùng chân tay đánh đập khiến nạn nhân tử vong là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.

Hội đồng xét xử khẳng định, quá trình giải quyết vụ án, tòa án sơ thẩm đánh giá đúng và đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho hai bị cáo nên tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để có thể giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của hai bị cáo, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Ninh và tử hình đối với bị cáo Sơn.

Nguyễn Hưng
.
.
.