Giả danh Công an gọi Zalo có hình ảnh lừa kích hoạt định danh tài khoản ngân hàng
Các đối tượng giả danh Công an gọi Zalo yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích định danh tài khoản để kích hoạt tài khoản ngân hàng. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo...
Mới đây, chủ nhân tài khoản Facebook Đ.H.V. đăng tải nội dung “Em mới bị chị Công an online này hỏi thăm với lý do có đăng ký 1 sdt 096… tại Đà Nẵng, sau đó lên Facebook kêu gọi từ thiện. Được số tiền là 58.976.000 đ nhưng không mang số tiền đó làm đúng mục đích từ thiện. Vì vậy, chị Công an đã gọi điện để hỗ trợ online, chuyển cuộc gọi của em đi gặp tòa án để báo án. Yêu cầu em gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái nghiêng phải. Em nghe Công an xong em sợ quá nói gì em cũng gật...”.
Về vụ việc trên, một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, trước đây, các đối tượng giả dạng Công an để lừa tiền trực tiếp, hoặc gọi điện thoại mạo danh cơ quan chức năng.
Gần đây, các đối tượng yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích lấy định danh tài khoản. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo...
“Nếu mọi người đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết cần phải có 1 bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống..." - chuyên gia ngân hàng Sacombank giải thích về định danh cá nhân.
Từ vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khuyến cáo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình.
Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo Công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan Công an với bảng tên, phù hiệu, ảnh Bác Hồ, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như Công an thật.
Lực lượng Công an đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan Công an không làm việc online, không mời, triệu tập, làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở.
Công an TP Hà Nội đề nghị, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.