Những điều chưa biết trong vụ án xảy ra ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Gây áp lực cho bị hại đòi chi hơn 1 tỷ đồng vào quỹ “Cây chổi vàng” để chia nhau (Bài 1)

Thứ Sáu, 04/10/2024, 05:57

Như Báo CAND đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (địa chỉ tại Văn phòng tòa nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Có thể nói, đây là một vụ án gây rúng động dư luận, bởi lần này, cơ quan điều tra đã bóc trần được “lớp lang” phạm tội của cả một tổ chức báo chí, từ người đứng đầu chỉ đạo đến người thực hiện hành vi… 

Thật khốn khổ cho ông Đ.V.H, trú tại Thái Bình, chỉ là một chủ trang trại chăn nuôi gia súc nhưng đã lọt vào “tầm quan tâm” của nhóm các đối tượng. Liên tục trong 4 năm trời, ông bị các đối tượng sử dụng nhiều biện pháp gây áp lực tinh thần và gây ảnh hưởng đến công việc, nhằm ép bằng được ông phải chi tiền theo yêu cầu của họ.

Theo nội dung tố giác của ông H, sau khi tìm hiểu thông tin, tình hình hoạt động của trang trại, năm 2020, Bùi Văn Toàn (SN 1980, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Trưởng ban Kinh tế, Môi trường và Đặng Văn Phục (SN 1986, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã viết bài báo với nội dung phản ánh việc trang trại chăn nuôi gia súc của ông Đ.V.H gây ô nhiễm môi trường và đăng trên Tạp chí điện tử moitruongvadothi.vn.

bui van toan.jpg -0
Cơ quan điều tra thực hiện khám xét đối với Bùi Văn Toàn.

Sau đó, Toàn và Phục đến gặp ông H, yêu cầu bị hại phải tài trợ cho chương trình “Cây chổi vàng” số tiền hơn 1 tỷ đồng, nhưng ông H không đồng ý. Do bị bài báo phản ánh làm ảnh hưởng đến công việc nên ông H đã phải liên lạc với Toàn để xin gỡ bài. Lúc này, Toàn yêu cầu ông H phải đến gặp Tổng biên tập là ông Đồng Xuân Thụ thì mới giải quyết được.

Mặc dù ông H đã đến trụ sở của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để gặp ông Thụ, nhưng lại không đồng ý ủng hộ số tiền cho chương trình “Cây chổi vàng” như các đối tượng yêu cầu, bởi số tiền đó quá lớn so với khả năng kinh tế của ông. Vì vậy, suốt gần 3 năm sau, nhóm của Toàn tiếp tục quay trở lại, thu thập các thông tin vi phạm của ông H ở lĩnh vực xây dựng nhà ở và chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuyên (SN 1989, trú tại xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam viết hàng loạt bài phản ánh.

Các bài báo này đã gây mất uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh của ông H. Bên cạnh đó, trong quá trình viết bài, các đối tượng còn nhiều lần gây áp lực đến chính quyền địa phương nơi ông H sinh sống.

Do vậy, bị hại buộc phải tiếp tục hành trình đi tìm ông Thụ và Toàn để trình bày rõ lý do vì khó khăn nên trước đây đã không ủng hộ tiền cho chương trình “Cây chổi vàng” như các đối tượng yêu cầu; đồng thời, xin gỡ bài hoặc không viết bài mới nữa, đổi lại ông H “xin” nộp 200 triệu đồng vào chương trình “Cây chổi vàng” và 50 triệu đồng “phí quan tâm” đến anh em phóng viên.

Số tiền trên được Cao Thị Thu Hường, kế toán của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam thu nhận nhưng không được ghi chép trong sổ sách, ký giao nhận hay có bất cứ một phiếu thu, hóa đơn nào. Từ lá đơn tố cáo của ông H, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã dần bóc trần thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng tại tạp chí này…

“Cây chổi vàng” là chương trình xã hội do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động, nhằm tôn vinh những lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đây không phải là một quỹ hay một tổ chức từ thiện nên không cần xin phép của cơ quan Nhà nước để hoạt động. Hội đồng xét duyệt giải thưởng là những người trong nội bộ của tạp chí, không có cơ quan quản lý nhà nước tham gia, giám sát.

Chương trình “Cây chổi vàng” có cơ cấu gồm: 1 giải Kim cương là 1 cây vàng 9999; 10 giải Vàng, mỗi giải 2 chỉ vàng; 11 giải Bạc, mỗi giải 1 đồng bạc trắng và 5 triệu đồng; 18 giải Đồng, mỗi giải 3 triệu đồng… Đến nay, lễ trao giải của chương trình “Cây chổi vàng” đã được các đối tượng tổ chức 4 lần. Mặc dù mức chi cho các giải thưởng của chương trình “Cây chổi vàng” là vậy nhưng nếu so với số tiền mà nhóm đối tượng đã yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phải đóng góp thì chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Các phóng viên, cộng tác viên của tạp chí đã lợi dụng danh nghĩa phóng viên, nhà báo đi tìm các sai phạm của các bị hại, sau đó viết bài đăng lên trang điện tử moitruongvadothi.vn nhằm gây sức ép, buộc họ phải liên hệ với phóng viên để tìm cách “xử lý", “giải quyết”. Nếu bị hại muốn gỡ bài hoặc không tiếp tục đăng bài mới thì phải chuyển tiền cho các đối tượng dưới hình thức ký hợp đồng chương trình “Cây chổi vàng” với các gói hỗ trợ gồm: gói Đồng (50 triệu đồng), gói Bạc (100 triệu đồng), gói Vàng (200 triệu đồng), gói Kim cương (300 triệu đồng). Do sợ ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh nên các bị hại buộc phải đồng ý chuyển tiền theo yêu cầu.

Các đối tượng không nhận tiền trực tiếp mà yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và tài khoản của Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam. Hàng tháng, ông Thụ sẽ chỉ đạo Cao Thị Thu Hường (SN 1989, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), kế toán trưởng của Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam và cũng là kế toán của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, rút tiền từ tài khoản của công ty quảng cáo và tạp chí này để nộp vào tài khoản cá nhân của Hường. Sau đó, Hường sẽ chuyển tiền phần trăm (đã được thống nhất từ trước) cho các đối tượng trong nhóm phóng viên, cộng tác viên cũng như trả lương cho nhân viên của tạp chí. 

Điều đáng nói, Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam như là một “sân sau” của Tổng biên tập Đồng Xuân Thụ. Bởi, chức danh Giám đốc công ty được trao cho Đồng Thị Khánh Dung (em gái của ông Thụ) và số cổ phần ông Thụ nắm giữ lên tới 95,5% (tương đương gần 6,5 tỷ đồng vốn điều lệ). Ở các tài khoản chính (tài khoản nhận và rút, chuyển tiền) của Công ty cổ phần Quảng cáo báo chí - truyền hình Việt Nam, dòng tiền đến và đi đều được ông Đồng Xuân Thụ kiểm soát chặt chẽ.

Theo đó, số điện thoại nhận tin nhắn SMS thông báo của ngân hàng (thông báo biến động số dư…) được đăng ký là của ông Thụ và Hường. Tuy nhiên, số điện thoại nhận mã OTP và internetbanking (dùng để thực hiện giao dịch chuyển tiền qua app của ngân hàng) là của bị can Đồng Xuân Thụ. Đặc biệt, tài khoản ngân hàng của cá nhân Hường cũng được đăng ký nhận tin nhắn SMS bằng số điện thoại của Hường và ông Thụ.

(Còn nữa)

Nhật Minh
.
.
.