Đề nghị xem xét phần bồi thường và hình phạt trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Thứ Sáu, 20/10/2023, 16:22

Ngày 20/10, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra ở Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2), gây thiệt hại của Nhà nước 460 tỷ đồng. Dự án này do Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư.

Chiều qua (19/10), đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 22 bị cáo với mức án thấp nhất từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 7 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng Giám đốc VEC) bị đề nghị 36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC) bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt cả hai tội danh từ 5 năm 6 tháng - 7 năm tù.

Đề nghị xem xét phần bồi thường dân sự và hình phạt trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi   -0
Các bị cáo tại phiên tòa.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc 22 bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại của vụ án cho nguyên đơn dân sự là VEC; các nhà thầu thi công tuyến đường phải bồi hoàn theo hợp đồng.

Nhóm nhà thầu thi công là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CTCP) và Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô (Trung Quốc).

Bào chữa cho bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, xét theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát sẽ giúp VEC được lợi khi nhận gấp đôi số thiệt hại của vụ án.

Luật sư Nga cho rằng nếu tòa tuyên phần dân sự như Viện kiểm sát đề nghị sẽ không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật khi VEC sẽ nhận được cả bồi thường lẫn bồi hoàn. Trong khi đó, chính doanh nghiệp này trong vai trò nguyên đơn dân sự đã yêu cầu các nhà thầu bồi thường, không phải các bị cáo.

Đề nghị xem xét phần bồi thường dân sự và hình phạt trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi   -0
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa ngày 20/10.

Bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào (cựu Phó Tổng Giám đốc VEC), luật sư Đinh Anh Tuấn cũng cho rằng, tại giai đoạn 1 của vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 65km), bản án có hiệu lực pháp luật đã buộc nhà thầu phải bồi thường cho VEC, chứ không buộc các bị cáo bồi thường.

“Trong hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo, lỗi của các pháp nhân, thiệt hại gây ra và trách nhiệm bồi thường trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) hoàn toàn giống với vụ án ở giai đoạn 1 nên việc áp dụng pháp luật cần phải thống nhất”, luật sư Tuấn nêu quan điểm bào chữa.

Liên quan đến vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1), bị cáo Lê Quang Hào đã bị phạt 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến nay, bị cáo Lê Quang Hào tiếp tục bị đưa ra xử về tội danh trên ở giai đoạn 2.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án thuộc VEC), luật sư Nguyễn Thị Thu cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Đinh Anh Tuấn. Luật sư Thu phân tích, bị cáo Nguyễn Tiến Thành đã bị tạm giam từ năm 2019 đến nay đã gần 4 năm. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Tiến Thành đã bị tuyên bản án 4 năm 6 tháng tù ở giai đoạn 1 của vụ án. Nếu tính cả đặc xá, giảm án thì bị cáo Nguyễn Tiến Thành có thể đã được ra tù. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát lại đề nghị bị cáo Nguyễn Tiến Thành thêm hình phạt từ 3 năm 6 tháng - 4 năm 6 tháng tù ở giai đoạn 2 của vụ án này, và nếu tổng hợp hình phạt thì bị cáo Thành có thể phải thi hành bản án lên tới 8 năm tù.

Nguyễn Hưng
.
.
.