Đấu tranh mạnh với tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động

Thứ Bảy, 27/11/2021, 08:03

Gần 2 năm đại dịch COVID-19, việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những thời điểm tất cả các thị trường đều "đóng băng", không thể đưa lao động xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch. Thế nhưng, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vẫn nhức nhối.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh với nhiều chiêu trò tinh vi để "giăng bẫy" người lao động. Trước vụ việc 200 lao động bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc qua đường biển vừa xảy ra ở Đà Nẵng, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) lại tiếp tục phải lên tiếng cảnh báo.

Vẫn nhức nhối vấn nạn lừa đảo

Vụ việc nghiêm trọng mới đây xảy ra liên quan đến lừa đảo xuất khẩu lao động là vụ việc gần 200 người trú tại các tỉnh phía Bắc bị các đối tượng lừa vào Đà Nẵng để đi xuất khẩu lao động bằng đường biển sang Hàn Quốc. Theo đó, giữa tháng 5/2021, dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang bùng phát, Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng nhận được tin báo, nhiều người tụ tập tại khách sạn Toàn Thắng số 172-174 đường Nguyễn Văn Thoại, phường Mỹ An.

Đấu tranh mạnh với tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động -0
Người lao động cần tìm hiểu khi có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa: CTV

 Qua xác minh, có khoảng 170 người trú tại các tỉnh phía Bắc vào Đà Nẵng với mục đích đi xuất khẩu lao động bằng đường biển. Tuy nhiên, gần đến thời điểm khởi hành, 2 người hứa hẹn tổ chức chuyến đi là Phạm Doãn Tuấn và Lê Danh Cường bất ngờ lẩn trốn và cắt đứt mọi liên lạc. Theo khai báo của các bị hại, Tuấn và Cường đã ký hợp đồng đưa những người có nhu cầu sang Hàn Quốc để lao động với giá mỗi trường hợp là 10.000 USD.

Các đối tượng hẹn khách ra Hà Nội để trao đổi cụ thể việc xuất cảnh và thu mỗi người 5 triệu đồng là chi phí khám sức khỏe và xét nghiệm COVID-19, sau đó tập trung tại TP Đà Nẵng để xuống tàu biển sang Hàn Quốc. Tại Đà Nẵng, các đối tượng tiếp tục thu mỗi người 300 USD và hẹn tối 15/5 sẽ đưa mọi người ra cảng Tiên Sa để khởi hành sang Hàn Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, Phạm Doãn Tuấn tên thật là Vũ Đức Minh (39 tuổi), trú phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Lê Danh Cường tên thật là Đinh Hồng Quang (41 tuổi), trú xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Các đối tượng đã dùng giấy chứng minh nhân dân giả, mở tài khoản giả nhằm che giấu nhân thân để thực hiện hành vi lừa đảo. 2 đối tượng này đã lẩn trốn ở nhiều địa phương, đến ngày 16/11 thì bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội.

Đây chỉ là vụ việc điển hình trong rất nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo xuất khẩu lao động thời gian qua. Theo đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngay khi có thông tin xảy ra vụ việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên hệ với cơ quan lao động tại Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xác minh tình hình, đồng thời cũng trao đổi với cơ quan Công an để kiểm tra thông tin.

Ngoài vụ việc tại Đà Nẵng, còn nhiều địa phương khác cũng diễn ra tình trạng này. Các vụ lừa đảo thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin quảng cáo, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc này cho thấy sự hiểu biết của người dân, người lao động vẫn còn hạn chế nên dễ dàng bị các đối tượng này lừa đảo. Các đối tượng này không thu một cục tiền mà thu dần từng bước. Cùng với đó, chúng cũng đưa ra những hình thức đi lao động xuất khẩu rất hợp lý, tạo lòng tin cho người dân bằng việc có thể dễ dàng ra nước ngoài làm việc  thông qua đi học, đi làm.

"Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, cũng như Công an đề nghị điều tra, xử lý hàng loạt vi phạm của các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Người lao động cần tỉnh táo

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã diễn ra từ nhiều năm nay và rất nhức nhối. Tuy nhiên, do người lao động còn thiếu hiểu biết, thiếu thông tin nên mới dễ dàng bị lừa đảo. Vì thiếu hiểu biết nên không ít người lao động nghĩ rằng, đi làm việc ở nước ngoài rất đơn giản, không cần qua quy trình từ tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra trình độ, kiến thức…, chỉ cần có nhu cầu, sau đó nộp hồ sơ là được đi. Thực tế, một công ty có chức năng đưa lao động đi nước ngoài làm việc phải thông báo cần tuyển người lao động, số lượng cần tuyển là bao nhiêu? Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động như thế nào?

Cụ thể quy định về tuổi, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sức khỏe... Trên cơ sở đó, người lao động muốn tham gia tuyển dụng phải có giấy tờ chứng nhận đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài. Sau đó, người lao động và đơn vị tuyển dụng lao động phải cam kết trách nhiệm với nhau. Để hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài, người lao động phải mất vài tháng, hoặc nửa năm. Đối với thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, thời gian chờ đợi có khi kéo dài một năm.

Có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các quy định của pháp luật liên quan đến làm việc ở nước ngoài, thông tin về các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Hiện có gần 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Người lao động có thể vào website của Cục Quản lý lao động ngoài nước để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp. Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Ngoài ra, người lao động cần yêu cầu phía tuyển dụng nêu cụ thể các khoản chi phí, khi nộp tiền phải có hóa đơn, chứng từ ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm. Nếu phía tuyển dụng không cung cấp đủ các yêu cầu nêu trên thì đó là đơn vị không đáng tin cậy. Gặp trường hợp này, người lao động cần phản ánh đến các cơ quan chức năng", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.

Phan Hoạt
.
.
.