Đại diện VKS bác bỏ lý lẽ chối tội của bị cáo Trương Mỹ Lan

Thứ Hai, 01/04/2024, 13:23

Sáng 1/4, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo đồng phạm liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB chuyển qua phần đối đáp. 

Trước đó, Trương Mỹ Lan bị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tổng hợp là tử hình. Các bị cáo khác bị đại diện VKS đề nghị các mức án nhẹ nhất từ 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, đến 22 -24 năm tù, một số bị cáo bị đề nghị án chung thân.

Đại diện Viện Kiểm sát: “Bị cáo Lan, về bản chất là chiếm đoạt tiền của SCB” -0
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 1/4.

Tại tòa, chỉ có bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận các hành vi như cáo trạng truy tố. Luật sư của bị cáo Lan còn đề nghị thay đổi tội danh đối với tội “Tham ô tài sản”. Bởi theo bà Lan và luật sư luật sư của bà thì hồ sơ thể hiện bà Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nên không thể là chủ  thể cấu thành tội “Tham ô tài sản”.

Bà Lan cũng cho rằng bà không quanh co chối tội như đại diện VKS nêu trong quá trình luận tội… Theo đại diện VKS, việc bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, thể hiện sự ngoan cố. Tại tòa, đối đáp với các vấn đề mà luật sư cũng như bị cáo nêu trong quá trình tranh luận, đại diện VKS đã chỉ rõ từng hành vi của các bị cáo, chủ yếu là bị cáo Trương  Mỹ Lan.  

Đại diện Viện Kiểm sát: “Bị cáo Lan, về bản chất là chiếm đoạt tiền của SCB” -0
Các bị cáo tại tào sáng 1/4.

Về hậu quả thiệt hại, theo đại diện VKS, hành vi phạm tội của bị cáo Lan xuyên suốt từ năm 2012, về bản chất là chiếm đoạt tiền của SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan coi SCB như là một công cụ tài chính, một nơi giữ tiền. Trương Mỹ Lan đưa tài sản đảm bảo chỉ là phương thức, thủ đoạn để bị cáo rút tiền của SCB, tài sản đảm bảo có thể rút ra hoặc hoán đổi. Bất cứ khi nào cần tiền bà Lan chỉ đạo, thông báo số tiền cần sử dụng để nhân viên rút ra từ ngân hàng.

Theo VKS, thiệt hại của vụ án không chỉ được xác định bằng cách trưng cầu định giá trong tố tụng hình sự mà còn có thể áp dụng các biện pháp khác để xác định hậu quả. Việc định giá trong tố tụng hình sự không phải là yêu cầu bắt buộc, và cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp khác. Trong vụ án này, Viện kiểm sát không căn cứ vào giám định lại của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, mà căn cứ vào lời khai, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để xác định thiệt hại là hơn 667.000 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát: “Bị cáo Lan, về bản chất là chiếm đoạt tiền của SCB” -0
Ông Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan tại tòa.

Về tội “Tham ô tài sản”, đại diện VKS cho rằng pháp luật quy định tội “Tham ô tài sản” áp dụng với các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước từ 0h ngày 1/1/2018, nên hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã cấu thành tội tham ô.

Về cáo buộc Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, đại diện VKS giữ nguyên nhận định bị cáo coi SCB như một công cụ tài chính, cần là rút.

Về ý kiến cho rằng bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội tham ô, còn các bị cáo khác thì bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay, VKS cho rằng kết quả điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng đã phân hóa vai trò của các đối tượng. Những bị cáo có chức vụ, quyền hạn tại Vạn Thịnh Phát, SCB đã có hành vi tiếp nhận trực tiếp ý chí của bà Trương Mỹ Lan, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo ở nhóm dưới về ý thức không biết mình giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan nên không đánh giá đây là đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, nên VKS truy tố tội vi phạm quy định cho vay là hoàn toàn  chính xác

Mặc dù chưa có kết quả tương trợ tư pháp về xác minh làm rõ 5 doanh nghiệp nước ngoài đứng tên cổ phần cho bà Lan, nhưng với những tài liệu, căn cứ có được, đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ thể tội “Tham ô tài sản”. Việc các luật sư yêu cầu cơ quan tố tụng chứng minh 5 công ty cổ phần nước ngoài mua cổ phần của bị cáo không làm thay đổi sự thật bà Lan nắm quyền chi phối với số cổ phần này.

Với việc thành lập công ty “ma”, VKS cho rằng bị cáo chỉ đạo thành lập hàng nghìn công ty không có hoạt động thật, đứng tên khoản vay, sử dụng để các bị cáo giải quỹ, che giấu cắt đứt dòng tiền. Luật sư của bị cáo nói công ty “ma” không liên quan bà Lan là lập luận không có căn cứ.

Chỉ đạo miệng, không để lại bút tích, nghĩ rằng như thế sẽ không bị phát hiện, cơ quan chức năng không xử lý được chính là một thủ đoạn tinh vi của bị cáo Lan, đại diện VKS phân tích.

Đức Mừng - Văn Hào
.
.
.