“Đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan lãnh án chung thân
Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong vụ án này, các bi cáo bị truy tố về các tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội danh trên.
Theo HĐXX, có đủ căn cứ để xác định báo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu vụ án, các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Lan thực hiện các hành vi phạm tội. Các bi cáo thực hiện hàng loạt thủ đoạn gian dối phát hành trái phiếu, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Lan đã đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu; họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã họp bàn sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn (Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Bằng các thủ đoạn gian dối, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã bán trái phiếu cho 35.824 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
"Các bị cáo đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của số lượng bị hại đặc biệt lớn. Hành vi của các bị cáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán, môi trường đầu tư trong và ngoài nước; gây hoang mang, mất niềm tin của người dân...”, HĐXX nhấn mạnh.
Sau khi thực hiện hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chỉ đạo các nhân sự phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng do phạm tội mà có. Hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền. Do đó, việc truy tố xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng tám bị cáo khác về tội “Rửa tiền” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Trong vòng 10 năm (từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022) đã có 21 công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD. 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định, với 152 giao dịch (tổng cộng hơn 3 tỷ USD). Như vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, xét xử giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan đã phối hợp với luật sư, gia đình tìm giải pháp, để có nguồn tiền nhắm khắc phục hậu quả, những biện pháp này mới là phương án, giải pháp, lời nói, chưa thể hiện thực tế, cần thêm thời gian để có kết quả. Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan đã có ý thức khắc phục hậu quả, nhưng xét tính chất, mức độ của vụ án vẫn cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất của tội danh bị truy tố.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12 năm tù về tội “Rửa tiền”; 8 năm tù về tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Những người thân của bị cáo Trương Mỹ Lan: Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) bị tuyên phạt 2 năm tù. Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan) bị tuyên phạt 5 năm tù. Ngô Thanh Nhã (em dâu bị cáo Lan) bị tuyên phạt 5 năm tù. Trương Vincent Kinh (em họ bị cáo Lan) bị tuyên phạt 5 năm tù.
Nhóm các bị cáo đồng phạm bị tuyên phạt cùng về 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biện giới” có mức án lần lượt là: Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 23 năm tù. Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) 16 năm tù; Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen) 15 năm tù.
Nhóm bị cáo 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”: Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 17 năm tù; Nguyễn Hữu Hiệu (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Square Việt Nam) 12 năm tù; Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam) 9 năm tù; Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) 10 năm tù; Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 14 năm tù.
Nhóm các bị cáo bị tuyên phạt về 1 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc "Rửa tiền”, giúp sức cho bị cáo Lan thực hiện các hành vi phạm tội trong đó có bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị tuyên phạt 10 năm tù. Những bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạt từ 2 – 7 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng cho 35.824 bị hại. Đồng thời tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan và gia đình để đảm bảo việc thi hành án.