Cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn cho các “chuyến bay giải cứu” như thế nào?

Thứ Ba, 11/07/2023, 19:19

Chiều muộn 11/7, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang, phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” chuyển sang phần xét hỏi nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Trước khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly ba bị cáo để đảm bảo lời khai được khách quan. Ba bị cáo bị cách ly là: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao), Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an).

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, vận tải) qua các mối quan hệ, từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, đã gặp, đặt vấn đề và đưa hối lộ số tiền hơn 3,5 tỷ đồng cho ba cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay cho Công ty Vijasun đưa công dân về nước.

Theo đó, bị cáo Đào Minh Dương đưa hai lần với số tiền 1,1 tỷ đồng cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế); đưa bốn lần số tiền 1,6 tỷ đồng cho bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và đưa một lần 864 triệu đồng cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola).

Cơ quan quản lý làm khó các “chuyến bay giải cứu” như thế nào? -0
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun khai báo tại phiên tòa.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đào Minh Dương khai nhận, việc đưa tiền cho các cá nhân để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. “Bị cáo đến gặp bị cáo Phạm Trung Kiên và bị cáo Kiên yêu cầu, nếu muốn được tổ chức chuyến bay phải nộp 150 triệu đồng một chuyến. Nếu không nộp thì không được duyệt”, bị cáo Dương khai.

Cũng theo lời khai của bị cáo Đào Minh Dương, bị cáo cũng bị người ở Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn trong việc cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. “Ngày mai bay thì hôm nay bị cáo mới được cấp phép chuyến bay”, bị cáo Dương khai.

Theo lời khai của bị cáo Dương, mỗi chuyến bay công ty, của bị cáo phải nộp cọc trước rất nhiều tiền. Thời gian đầu, dù bị người ở Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, nhưng bị cáo nhất quyết không đưa tiền. Sau đó, bị cáo thấy nếu không đưa tiền thì khó có thể được cấp phép chuyến bay nên bị cáo phải chi 150 triệu đồng một chuyến bay.

“Việc cơ quan hữu quan gây khó dễ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay cũng khiến những người dân Việt Nam muốn được về nước trong thời điểm dịch COVID- 19 gặp khó”, bị cáo Dương khai.

“Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan khi là Cục trưởng Cục Lãnh sự còn gây khó khăn, rồi bảo đưa tiền, nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày, công ty của bị cáo mới cấp phép, khó khăn cùng cực”, Dương khai rất chi tiết.

Bị cáo Đào Minh Dương còn khai thêm, khi thực hiện các chuyến bay, công ty của bị cáo phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 đến 9 tỷ đồng.

“Cục Lãnh sự gây khó khăn. Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân”, bị cáo Dương rất bức xúc khi khai báo.

Ngoài lời khai về các bị cáo ở trong nước gây khó dễ cho công ty mình, bị cáo Đào Minh Dương khai tiếp, bị cáo đã đưa tiền theo yêu cầu cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola). Mỗi vé bay của công dân Việt Nam, bị cáo phải đưa 3 triệu đồng. Tổng số tiền bị cáo đã đưa cho bị cáo Vũ Ngọc Minh là 864 triệu đồng.

Nguyễn Hưng
.
.
.