“Cò lúa” ép nông dân, lừa đảo thương lái

Thứ Bảy, 18/12/2021, 07:53

“Cò lúa” xuất hiện ngày các nhiều tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), thao túng thị trường mua bán lúa gạo, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của bà con nông dân. Nghiêm trọng hơn, ngoài việc chèn ép, hạ giá thành, “cò lúa” lợi dụng việc người dân, thương lái chưa nắm rõ về quy định pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Thao túng từ sản xuất đến mua bán

Tại khu vực ĐBSCL, nơi được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, “cò lúa” xuất hiện như một trung gian kết nối, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa nông dân và các thương lái, nhà máy, doanh nghiệp. Các thương lái có nhu cầu mua lúa với số lượng lớn nhưng không đủ nhân lực để tổ chức thu mua trực tiếp, còn nông dân thì sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó tìm đầu ra sản phẩm khi kết thúc vụ mùa. Nắm bắt được nhu cầu thực tế trên, “cò lúa” xuất hiện và đang thao túng thị trường thu mua lúa gạo. Ngoài việc mua bán lúa gạo, “cò lúa” còn liên kết với các chủ máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm… đa phần các giao kèo này đều được thương thảo bằng miệng.

Một số khác có hợp đồng mua bán được thỏa thuận bằng văn bản giao dịch quy định về quyền và trách nhiệm của các bên ký kết. Tuy nhiên, lợi dụng sự mập mờ về kiến thức pháp luật người trồng lúa, nên “cò” lợi dụng ép giá với đủ mọi kiểu. Hợp đồng mua bán mà “cò lúa” đưa cho nông dân ký đa phần quy định trách nhiệm của bên bán - nông dân. Nông dân buộc phải trả lại tiền cọc khi bên mua –“cò lúa” không chấp nhận mua lúa... Thỏa thuận trừ tiền hoặc trừ sản lượng khi bên mua cho rằng lúa cắt còn ướt và được bồi thường gấp đôi tiền đặt cọc khi bên bán không giao lúa. Thế nhưng, về phía bên mua lại không có quy định nào ràng buộc trách nhiệm nếu họ không mua lúa…

Việc thương lái không trực tiếp thu mua lúa tại đồng mà chỉ thông qua “cò” đã tạo điều kiện để các đối tượng xấu chèn ép nông dân, hạ giá thành thậm chí là “bảo kê” máy gặt lúa, máy cuộn rơm… để trục lợi.

“Cò lúa” ép nông dân, lừa đảo thương lái -0
Các đối tượng: Út, Dủ, Triều bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Lâm Văn Tức, nông dân sản xuất lúa tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, việc sản xuất lúa ở địa phương phụ thuộc khá nhiều vào thị trường đầu ra. “Hiện, hình thức mua bán lúa ở địa phương không thuận lợi cho người dân. “Cò lúa”, thương lái, chủ máy gặt đập, máy cuộn rơm… là cùng một phía, họ ép người dân phải bán lúa với mức giá thấp hơn giá thị trường. Sau khi bỏ cọc tiền lúa, họ tự liên hệ với thương lái và máy gặt đập để định ngày thu hoạch. Dù giá lúa tăng nhưng họ vẫn thu mua với mức giá đã định trước, còn nếu giá lúa giảm thì họ sẵn sàng “bỏ cọc” vì chẳng đáng bao nhiêu”, anh Tức cho biết. Nhiều nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL bức xúc, nếu bà con phản ứng với “cò lúa” thì những vụ mùa sau họ không mua nữa. Với số lượng nhỏ lẻ thì nhà nông rất khó tìm được thương lái cũng như máy gặt đập…

Song cũng phải nhìn nhận, do nhu cầu về tiền vốn đầu vụ để làm đất, xuống giống nên đa phần các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thường ký xác nhận “bán lúa non” cho “cò” để nhận tiền khi mới gieo sạ. Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết bao tiêu lúa trực tiếp với người nông dân theo giá thị trường, tránh qua trung gian “cò lúa”, tuy nhiên việc này không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ cho biết, một trong những vấn đề nan giải mà có thể là mấu chốt để đảm bảo được tính liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ và thị trường, đó là khả năng thực thi và chế tài của pháp luật. Rất nhiều trường hợp xảy ra trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,do lợi ích ngắn hạn nên phíacung - nông dân hay cả bên cầu - doanh nghiệp ít thực thi theo cam kết. Đây là thực tế đang diễn ra nhiều nhưng dường như các biện pháp chế tài rất khó thực thi bởi 2 chủ thể trong mắc xích “doanh nghiệp – nông dân” khá nhạy cảm và phức tạp.

Thương lái ôm “trái đắng” vì tin “cò lúa”

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Dương, Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh, chống tội phạm theo tuyến địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, qua công tác nắm tình hình, tại các địa phương trồng lúa trong tỉnh xuất hiện các nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “cò lúa”. Các đối tượng tinh vi, có phân công vai trò, vị trí từng thành viên trong nhóm, hoạt động hết sức chặt chẽ, đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của người dân, thương lái mua lúa.

Để bảo đảm tình hình sản xuất, quyền lợi của bà con nông dân trong việc mua bán lúa và giữ vững ANTT địa bàn, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ công, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương xác lập chuyên án do Thượng tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự làm Trưởng ban chuyên án, tập trung đấu tranh, xử lý.

Kết quả thu thập tài liệu xác định có các nhóm “cò lúa”, do những đối tượng từng có tiền án, tiền sự cầm đầu thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nông dân cũng như thương lái, doanh nghiệp. Các đối tượng lợi dụng quen biết nên đã “vẽ” nên vở kịch giới thiệu với những thương lái từ nơi khác đến Hậu Giang để thu mua lúa, là nhóm đối tượng đang có số lượng lúa lớn đã mua bao tiêu từ những người nông dân, đang cần bán, giá cả phải chăng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Dương, để tạo lòng tin với thương lái, các đối tượng tinh vi đưa ra nhiều thông tin gian dối như danh sách cung cấp lúa giống cho người dân gieo, sạ lúa. Sau đó, dẫn thương lái đi xem các diện tích lúa trên nhiều cánh đồng khác nhau, hứa dẫn đến gặp trực tiếp chủ đất để nói chuyện mua bán lúa, đồng thời hứa đưa cho người mua lúa xem hợp đồng bán lúa của các hộ dân... Các thương lái tin tưởng việc mua bán lúa là có thật và đồng ý làm hợp đồng mua bán lúa với giá thỏa thuận theo từng giống lúa và đặt cọc tiền cho các đối tượng. Sau khi nhận được tiền các đối tượng không giao lúa như đã thỏa thuận, tìm cách né trách, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 11/2021, nguồn tin trinh sát phát hiện các đối tượng có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ có liên quan đến hoạt động phạm tội nên Ban chuyên án đã quyết định phá án từng phần. Ban Chuyên án đã bắt, khởi tố 3 đối tượng: Nguyễn Văn Út (tức Quắn, SN 1981, ĐKTT: Khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang); Lê Tuấn Dủ (SN 1989, ĐKTT: Ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang); Nguyễn Minh Triều (tức Tuấn, SN 1984; ĐKTT: Ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và khai nhận thêm nhiều đối tượng khác có liên quan. Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trong các vụ việc, các đối tượng khai nhận, có vụ “con mồi” chỉ trong một ngày được các đối tượng cho xem “vở kịch” do các đối tượng diễn thì đã chuyển cọc với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Điển hình, vào tháng 6/2021, bà Đ.T.C. ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là thương lái thu mua lúa. Bà C. quen biết với Út, sau khi đến Hậu Giang kiểm tra “thực tế” do Út, Dủ và Triều bày vẽ đã tin tưởng, đồng ý ký 3 hợp đồng đặt cọc mua bán lúa với số tiền 580 triệu đồng. Khi nhận được tiền các đối tượng không thực hiện như hợp đồng mà lấy số tiền này chia nhau tiêu xài và tìm cách né tránh, lẩn trốn.

Ngoài ra, các đối tượng còn thừa nhận làm giả các hợp đồng mua bán lúa với người dân, sau đó mang đến một công ty chế biến lương thực tại Cần Thơ để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán và chiếm đoạt số tiền trên 1 tỷ đồng. Đến nay, nhóm Út, Dủ, Triều và các đối tượng có liên quan đã chiếm đoạt của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng…

Thượng tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng Ban chuyên án cho biết, do biết được nhu cầu bán lúa của người nông dân và mua lúa của các thương lái, doanh nghiệp, các đối tượng đã câu kết, phân công vai trò cụ thể của từng người, để dẫn dụ, tạo lòng tin cho các nạn nhân. Từ đó, nạn nhân tin rằng sẽ mua lúa được từ các đối tượng, nên đã đưa tiền cọc để các đối tượng lấy tiền đặt cọc mua lúa của những người nông dân. Sau khi nhận được tiền của các bị hại thì các đối tượng chiếm đoạt, chia nhau tiêu xài cá nhân. Sau đó né tránh, bỏ trốn khỏi địa phương hoặc đưa ra nhiều lý do để kéo dài.

Hiện, Ban Chuyên án đang tiếp tục mở rộng điều tra,  bóc gỡ toàn bộ đường dây “cò lúa” có hành vi lừa đảo, trên địa bàn Hậu Giang và các tỉnh, thành trong khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật, các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng gây án, nhằm cảnh giác.

Trần Lĩnh
.
.
.