Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Còn nhiều gian nan

Thứ Bảy, 16/10/2021, 09:20

Tình trạng gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động kê khai hải quan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, pháp luật liên quan đến xử lý gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp đang có những vướng mắc cần khắc phục.

Tổng cục Hải quan cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở cả hai chiều xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK).

Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng cho biết, gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua khai báo hải quan có những diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, tình trạng khai sai về xuất xứ nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Hải quan. Chỉ trong quý III/2021, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới. Trong đó, 3 DN khai sai xuất xứ hàng hóa NK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đã bị xử lý theo qui định. Vi phạm của các DN này chủ yếu là NK các mặt hàng Trung Quốc, nhưng khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Còn nhiều gian nan -0
Lô hàng xe đạp bị phát hiện gian lận xuất xứ.

Hay như trường hợp của Công ty TNHH Trần Hoàng Việt Nam làm thủ tục NK một số mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa; bộ lọc không khí dùng để lọc không khí và bộ lọc dầu; lõi lọc nước, bộ phận của máy lọc nước từ Trung Quốc. Tuy nhiên, DN này đã khai xuất xứ Nhật Bản đối với mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa và khai xuất xứ Đức, Mexico, Ấn Độ, Hoa Kỳ cho các mặt hàng còn lại. Tương tự, Công ty CP Homely Thái Lan NK mặt hàng máy ép chậm dùng ép rau quả từ Trung Quốc nhưng chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Trong khi đó, ở chiều XK, hình thức, thủ đoạn gian lận là DN nhập hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam và XK. Chiêu thức phổ biến thứ 2 là DN không có hoặc có dây chuyền máy móc, nhưng sản phẩm XK không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra và xử lý một số DN NK hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và XK vào thị trường Ấn Độ. Hay vụ việc Công ty TNHH xe đạp Excel - DN 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Công ty này NK 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện hoàn chỉnh, không đảm bảo xuất xứ Việt Nam.

Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ - Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lực lượng Hải quan đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận này.

Tuy nhiên, Cục KTSTQ cho hay, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Trên thực tế, các khái niệm về xuất xứ được ghi trên hàng hóa hiện nay rất đa dạng như: “Made in Viet Nam, Made by Viet Nam, Of Vietnam origin, Product of Vietnam...”. Điều này có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cần thống nhất quy định.

Hành vi “giả mạo xuất xứ” được quy định trong Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có chế tài xử lý rất nặng nhưng không xử lý được trong thực tế. Nguyên nhân do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khi tiến hành xử lý. Bởi vậy, nội dung này cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Chỉ riêng Cục KTSTQ, từ đầu năm 2021 đã thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro đối với 150 DN.

Trong vòng 3 tháng, đơn vị đã ban hành 39 quyết định kiểm tra, đã kết thúc kiểm tra đối với 29 DN; phát hiện 17 DN vi phạm về xuất xứ, buộc DN nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm khác là 23,5 tỷ đồng. Đối với chuyên đề KTSTQ quan mặt hàng hạt điều, đầu tháng 9/2021, bước đầu Cục KTSTQ đã có kết luận kiểm tra đối với 18 vụ việc và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Đó là, 2 DN có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam. Theo yêu cầu quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân XK của Việt Nam (mã HS 08xx), tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường trong nước. Cơ quan Hải quan sẽ xem xét xử lý 2 công ty về hành vi vi phạm xuất xứ đối với hàng hóa XK.

4 DN thuộc loại hình sản xuất XK có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, DN không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, Cục đã chuyển thông tin về 4 DN này đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, Cục KTSTQ đang trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố đối với 1 DN.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, Chính phủ cần có Nghị định mới sửa đổi, bổ sung các qui định bất cập hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn, thế nào là hàng hóa “giả mạo xuất xứ”. Đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ, ngành chức năng đối với các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh việc cấp chứng từ không đúng quy định; tăng cường theo dõi, giám sát các DN tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận...

Lưu Hiệp
.
.
.