Chiếc iPad của bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ xem được lịch sử sử dụng trong 28 ngày
Sáng 30/12, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ can thiệp trúng thầu dự án số hoá năm 2016 xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục tranh luận với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng cần xác định rõ, ai mới là chủ đầu tư của gói thầu số hoá năm 2016 (?).
Luật sư viện dẫn: “Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khai, gói thầu thuộc thẩm quyền của Sở, nhưng ngược lại, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, gói thầu đó thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội”.
Sau khi đưa ra các căn cứ chứng minh về việc, bị cáo Tuyến là cấp dưới của bị cáo Nguyễn Văn Tứ và bị cáo Tuyến trong vai trò Tổ trưởng Tổ chuyên gia xét thầu, giúp việc cho Giám đốc Sở (người có thẩm quyền trong gói thầu số hoá năm 2016) nên phải thực hiện theo chỉ đạo, luật sư đề nghị HĐXX xem xét và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuyến.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) trình bày: “Thân chủ của tôi không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động đấu thầu. Vì theo quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền trong hoạt động đấu thầu mới là người có chức vụ, quyền hạn quyết định việc đấu thầu. Thân chủ của tôi chỉ là Tổ phó Tổ chuyên gia xét thầu thì không có thẩm quyền, chức vụ để quyết định về hoạt động đấu thầu”, luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, bị cáo Hường không có động cơ nào để thoả thuận, tạo điều kiện có lợi cho nhà thầu, dù đó là động cơ tiền bạc, động cơ thăng tiến chức vụ hay động cơ tình cảm. Bị cáo Hường cũng không có vị trí nào để can thiệp cho nhà thầu trúng gói thầu số hoá 2016.
Luật sư bào chữa không đồng tình với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát khi cho rằng, bị cáo Hường thống nhất với bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến là Tổ trưởng Tổ chuyên gia xét thầu để sửa đổi hồ sơ mời thầu, qua đó tạo điều kiện cho nhà thầu trúng thầu. Từ những phân tích, đánh giá trên, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hường.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) khẳng định, trong quá trình điều tra, bị cáo Tuấn cũng tự nhận thức sâu sắc được những hành vi sai phạm của mình. Nhưng theo luật sư, bản luận tội xác định, đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị cáo đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Tuy nhiên, xét hành vi của nhóm bị cáo thuộc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thì Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án.Do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên các bị cáo khác cùng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này là chưa hợp lý.
“Thực tế thì bị cáo Tuấn chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, nếu quy kết trách nhiệm của bị cáo Tuấn như trong bản luận tội đã nêu và mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị từ 4-5 năm tù cho bị cáo Tuấn là nặng”, luật sư trình bày. Kết thúc phần bào chữa, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng cho bị cáo Tuấn mức án nhẹ nhất, có thể cho hưởng án treo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Việt Hùng (cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh) đề nghị HĐXX xem xét hành vi của bị cáo Hùng với ly do, bị cáo làm doanh nghiệp, mong muốn được đưa ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống số hoá của thành phố Hà Nội. Vì thế, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Hùng phạm tội ở góc độ, doanh nghiệp bị phụ thuộc vào chủ đầu tư gói thầu số hoá năm 2016 nên sẽ thực hiện theo những gì chủ gói thầu đề ra.
Luật sư cung cấp cho HĐXX biên lai của gia đình bị cáo Hùng nộp số tiền 2,1 tỷ đồng cào Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để khắc phục một phần hậu quả vụ án. Trước đó, gia đình bị cáo Hùng cũng đã tự nguyện nộp 400 triệu đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để giúp bị cáo khắc phục một phần hậu quả vụ án.
Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt nhẹ nhất đối với bị cáo Hùng, cụ thể áp dụng hình phạt tù bằng thời gian bị cáo bị tạm giam, đề nghị tuyên trả tự do cho bị cáo Hùng tại phiên toà.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Hùng trình bày thêm, khi thực hiện dự án số hoá năm 2016 của thành phố Hà Nội, bị cáo chỉ có mong muốn được đưa công nghệ số hoá hiện đại nhằm tạo kết quả số hoá tốt hơn cho người sử dụng. Bị cáp và tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Đông Kinh muốn đem công nghệ mới vào hệ số hoá của thành phố Hà Nội năm 2016, triển khai nhân rộng trên toàn thành phố để thuận lợi cho người sử dụng. Bị cáo Hùng đề nghị HĐXX xem xét cho mình để ra phán quyết thấu tình, đạt lý.
Trong phần tranh luận, đại diện Công ty Đông Kinh đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo Lê Duy Tuấn và Võ Việt Hùng. Về trách nhiệm dân sự liên quan đến công ty (Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên công ty nộp lại số tiền hưởng lợi trái pháp luật hơn 6 tỷ đồng), đại diện Công ty Đông Kinh hứa cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Về chiếc iPad của bị cáo Nguyễn Đức Chung mà luật sư bào chữa cho bị cáo giao nộp tại phiên toà và đề nghị HĐXX làm rõ những thông tin bên trong chiếc iPad, Chủ toạ phiên toà cho biết, sau khi tiếp nhận, Viện kiểm sát đã phối hợp với Cục An ninh mạng (Bộ Công an) kiểm tra, làm rõ. Kết quả kiểm tra chiếc iPad cho thấy, chỉ có thể xem được lịch sử sử dụng chiếc iPad có đăng nhập email hay không trong vòng 28 ngày. Và để truy cập được vào e-mail chunghinhsu@gmail.com không nhất thiết phải dùng iPad, mà có thể đăng nhập vào e-mail từ máy tính hoặc thiết bị khác.