Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn

Thứ Bảy, 10/06/2023, 13:52

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, qua đi nhiều cơ sở, thấy những người gốc Việt Nam sinh sống trên chính quê hương đất nước nhưng không có loại giấy tờ gì xác nhận họ là ai, họ được hưởng những quyền gì. Cho nên, quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho họ thể hiện tính nhân văn rất cao.

Thảo luận tổ về dự án Luật Căn cước sáng nay, 10/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành luật và những nội dung mà Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu ra.

Bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý

 ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) đề nghị cần sớm hoàn thiện pháp luật để thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước, tiến tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các dữ liệu chuyên ngành để phục vụ việc quản lý dân cư. "Các nước tiên tiến trên thế giới đều có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý người dân một cách chặt chẽ", bà nêu.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn -0
ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh thảo luận tại tổ.

Đại biểu cũng đánh giá, quá trình xây dựng dự án luật này không làm ảnh hưởng hoạt động của đời sống xã hội, không ảnh hưởng quyền lợi cá nhân trong các giao dịch khi CMND cũ hoặc CCCD đang còn hiệu lực. Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo luật về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam thể hiện tính nhân văn rất cao.

"Chúng tôi đi nhiều cơ sở, nhận thấy những người gốc Việt Nam sinh sống trên chính quê hương đất nước nhưng không có loại giấy tờ gì xác nhận họ là ai, họ được hưởng những quyền gì. Do đó, quy định này vừa đảm bảo nhân văn, vừa đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác quản lý tại địa phương", ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) đề cập thực tế một số bà con Khơ Me ở Campuchia về sinh sống ở các tỉnh phía Nam không có giấy tờ gì. Họ cũng tham gia vào các hoạt động xã hội để đảm bảo cuộc sống và lực lượng Công an cũng cần quản lý việc này, đã có cơ sở dữ liệu về nhóm đối tượng này nhưng chưa được chính danh.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn -0
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận thảo luận tại tổ.

"Do vậy, cần phải quy định trong luật để đảm bảo chính danh, phải có giấy tờ để chứng thực, xác thực cho họ. Điều này là hết sức cần thiết", đại biểu nhấn mạnh và lý giải đây cũng chính là nguyên nhân điều chỉnh tên của dự thảo luật từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sang Luật Căn cước.

Thẻ CCCD không thể bị theo dõi ngầm hoặc đọc trộm thông tin

Thông tin cụ thể về thẻ CCCD gắn chip, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ), cho biết, thẻ có tính bảo mật về công nghệ, giúp bảo vệ quyền lợi riêng tư của công dân, đồng thời trên thẻ không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân và không có điện. Chip chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10cm. Công nghệ triển khai trên thẻ CCCD cũng tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật trên thế giới, của Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ, đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin nếu công dân không tự xuất trình thẻ CCCD để tiếp xúc với đầu đọc thẻ.

"Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip của thẻ CCCD, mọi dữ liệu đều được mã hoá, khó có thể làm giả và thay đổi sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã theo tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ và tiêu chuẩn bảo mật quốc tế ICAO" - đại biểu nhấn mạnh.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn -0
ĐBQH Nguyễn Hải Trung thảo luận tại tổ.

Về tiện lợi, an toàn khi sử dụng, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận cho biết, CCCD thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Mọi thủ tục, giấy tờ hành chính liên quan sẽ được gỡ bỏ. Việc quản lý cư trú của công dân sẽ được số hoá thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú, số định danh cá nhân. Thẻ tích hợp đầy đủ thông tin cho người dân, khi giao dịch không phải mang nhiều giấy tờ mà chỉ cần mang thẻ nếu đã tích hợp tất cả nội dung, nhiều tiện ích.

Mã QR code trên thẻ CCCD chứa một số thông tin cần thiết nên khi khai báo chỉ cần quét mã bằng điện thoại thay vì nhập tay. Khi giao dịch chỉ cần đưa thẻ lại gần đầu đọc giúp rút ngắn thời gian giao dịch. Người dân sử dụng thẻ có thể thực hiện các giao dịch hành chính, tài chính, ngân hàng, viễn thông... mà vẫn đảm bảo an toàn, có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh việc thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số...

Tiện ích cho người dân, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Hải Trung, nội dung xuyên suốt của dự thảo Luật Căn cước đều hướng tới phục vụ và đảm bảo tiện ích của người dân và các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời hướng tới chuyển đổi số quốc gia. "Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo Luật Căn cước cũng đã bao hàm các nội dung của Đề án 06. Ngoài ra, còn hướng tới cải cách hành chính, giảm giấy tờ", đại biểu nói.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn -0
ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng thảo luận tại tổ.

Ông cho rằng, một mục tiêu hướng tới nữa khi xây dựng Luật Căn cước là cải cách thủ tục hành chính và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi tất cả thủ tục đã thực hiện trên môi trường mạng, chuyển đổi số thì mọi thứ đều công khai minh bạch, hạn chế tiếp xúc giữa người làm thủ tục với cán bộ nhân viên hành chính và qua đó sẽ góp phần quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, trẻ em cũng có rất nhiều hoạt động đòi hỏi phải có giấy tờ chứng thực, từ đi học, khám bệnh, rồi di chuyển bằng một số phương tiện vận tải công cộng... "Hiện nay, với những hoạt động đó thì trẻ phải dùng giấy khai sinh; song giấy khai sinh chưa đảm bảo tính xác thực giữa một người và giấy tờ đó, vì không có nhận diện, không có ảnh, không có sinh trắc. Thế nên, có thể giấy khai sinh của một người nhưng người khác sử dụng. Hơn nữa, giấy khai sinh dễ bị hỏng, rách nát... Vì thế, thẻ căn cước sẽ khắc phục được các hạn chế trên và đáp ứng được tiêu chí dễ dùng, dễ sử dụng, dễ bảo quản", đại biểu phân tích. Đồng thời, luật cũng chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc làm thẻ căn cước với người dưới 14 tuổi.

Bày tỏ đồng tình, ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nam) cho biết, khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, trong đó, có một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... đều cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi. Việc này cũng phù hợp với các điều ước của quốc tế và chỉ cấp cho các trường hợp có nhu cầu. "Trước đây chỉ có một giấy khai sinh, quản lý rất khó, có khả năng làm giả. Nhưng nếu cấp căn cước sẽ rất tiện lợi, tiết kiệm, không lãng phí", ông nói và khẳng định căn cước chỉ cần làm một lần, tính bảo mật rất cao, làm giàu cho cơ sở dữ liệu, giúp quản lý xã hội.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là rất nhân văn -0
ĐBQH Lê Quang Mạnh thảo luận tại tổ.

Đề nghị quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin có tính chất pháp lý cao nhất

Trong khi đó, ĐBQH Lê Quang Mạnh (Cần Thơ) cho rằng, Luật Căn cước là một dự thảo luật rất quan trọng trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý để có tài sản quốc gia hết sức lớn như dữ liệu quốc gia về dân cư. Nội dung này được đánh giá rất căn cơ, khi muốn chuyển đổi đất nước từ giai đoạn trung bình thấp sang các bước phát triển cao hơn thông qua tăng năng suất lao động thì chúng ta cần triển khai bằng được các lộ trình, các chương trình, đề án lớn như thế này.

Hoàn toàn nhất trí các vấn đề liên quan, ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách, cần thiết của việc ban hành dự án luật mà nhiều quốc gia đã làm rất lâu, đem lại đóng góp cho sự phát triển của các quốc gia, đại biểu Lê Quang Mạnh nêu quan điểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 3 dữ liệu lõi của nền hành chính điện tử, cùng với dữ liệu về đất đai và doanh nghiệp. Mọi giao dịch của các cơ quan công quyền đều dựa trên nền tảng 3 cơ sở dữ liệu lõi này.

"Dữ liệu về dân cư của hơn 100 triệu người được lưu trữ ở nhiều ngành khác nhau. Khi chúng ta luân chuyển, chia sẻ các dữ liệu đó giữa các bộ, ngành cũng giống như máu chảy trong cơ thể. Nhưng nếu chúng ta không có trái tim, không có nơi để làm sạch, chuẩn hoá, xác thực thông tin thì cũng không ổn. Do đó, theo tôi, nên coi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trái tim để các dòng thông tin có chỗ được tích hợp lại và làm sạch. Nên bổ sung điều khoản cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin có tính chất pháp lý cao nhất", ông đề nghị.

Quỳnh Vinh
.
.
.